Ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng: Gắn kết lý thuyết với thực hành

GDVN – Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN đào tạo kỹ sư chất lượng cao ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của mọi quốc gia. Đặc biệt trong bối cảnh đô thị hóa và công nghiệp hóa mạnh mẽ, nhu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại và bền vững ngày càng tăng cao.

Tại Việt Nam, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội đang nỗ lực đào tạo những kỹ sư ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng tài năng, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường lao động trong nước và quốc tế.

Trong những năm qua, nhờ vào các chính sách tuyển sinh linh hoạt, uy tín của nhà trường và đặc biệt là chất lượng đầu ra của sinh viên khi tốt nghiệp đã được khẳng định. Nhiều năm nay, khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông đã thu hút được các sinh viên có điểm đầu vào cao nhất trong lĩnh vực kỹ thuật xây dựng của cả nước.

Ngành học với nhiều triển vọng nghề nghiệp

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng không chỉ đơn thuần là lĩnh vực chuyên về xây dựng nhà cửa, cầu đường, hay các công trình công cộng.

Cách hiểu này không sai nhưng chưa đầy đủ, vì trên thế giới, Công nghệ kỹ thuật xây dựng (tiếng Anh là Civil Engineering) là lĩnh vực rộng lớn bao gồm các khía cạnh như kiến trúc, quy hoạch, quản lý dự án, và ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong xây dựng. Ngành này đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: NVCC

Tại Việt Nam, quá trình đô thị hóa và mở rộng các công trình kiến trúc, giao thông đang diễn ra mạnh mẽ. Điều này đòi hỏi sự ứng dụng các công nghệ tiên tiến và kỹ thuật hiện đại nhằm hướng tới phát triển đô thị xanh, thông minh và bền vững. Những công nghệ như Building Information Modeling (BIM – Xây dựng mô hình thông tin), Internet of Things (IoT – Internet vạn vật), và trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần được tích hợp vào ngành xây dựng, tạo ra những bước tiến mới trong việc quản lý và vận hành các công trình hạ tầng.

“Nhu cầu về nhân lực trong ngành xây dựng đang tăng mạnh mẽ không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Theo dự báo, Việt Nam cần bổ sung khoảng 400.000 – 500.000 lao động mỗi năm trong ngành này. Dự kiến, số lượng lao động trong ngành xây dựng có thể đạt khoảng 8 triệu người vào năm 2030. Không chỉ các doanh nghiệp trong nước, mà thị trường lao động các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, và Ả Rập Xê Út cũng đang rất khát nhân lực trong lĩnh vực này”, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức cho hay.

Chính vì vậy, sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng có rất nhiều cơ hội trong công việc, có thể đảm nhận nhiều vị trí đa dạng tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chẳng hạn, các bạn có thể trở thành kỹ sư thi công, giám sát công trình, quản lý dự án, cán bộ thẩm định, và chuyên gia tư vấn, hoặc trở thành cán bộ giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học.

Theo thầy Đức, hầu hết sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng ra trường đều có việc làm ngay, không ít sinh viên đã có việc làm ngay từ năm thứ 3. Theo thống kê của Đoàn đánh giá ngoài trong kỳ kiểm định chất lượng năm 2023, sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng có việc làm đúng chuyên môn rất cao, đứng thứ nhì trong số các ngành đang đào tạo tại trường, chỉ sau lĩnh vực Công nghệ thông tin.

Với nền tảng kiến thức và kỹ năng được trang bị tốt, các nhóm sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng của nhà trường đã liên tiếp đạt nhiều giải thưởng cao ở các cuộc thi quốc tế, như The Student BIM&VR Design World Cup tại Nhật Bản năm 2022 và 2023 (Honorable Judge Award).

Thầy Đức cho biết thêm, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhiều trường đại học hàng đầu thế giới. Các chương trình trao đổi sinh viên, giảng viên và hợp tác nghiên cứu với Đại học Melbourne (Úc), Đại học Birmingham (Anh), Đại học Tokyo và Đại học Tsukuba (Nhật Bản), Đại học Yonsei và Đại học Sejong (Hàn Quốc), Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore),…mang lại cho sinh viên những cơ hội trải nghiệm môi trường giáo dục quốc tế và tham gia các dự án nghiên cứu tiên tiến.

Lễ ký kết hợp tác giữa khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông và Đại học Yonsei, Hàn Quốc. Ảnh: NTCC

Bên cạnh hợp tác quốc tế, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thiết lập mối quan hệ với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng như Công ty Cổ phần CONINCO, Công ty Cổ phần FECON,…Các chương trình hợp tác này cung cấp cho sinh viên cơ hội thực tập và học hỏi trong môi trường thực tế, giúp sinh viên tiếp cận với công việc và tăng cường kỹ năng cần thiết cho sự nghiệp sau này.

Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội và ông Phạm Việt Khoa – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FECON ký thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên. Ảnh: NTCC

Em Nông Đức Quân, sinh viên khóa 65 ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng, chia sẻ về lý do chọn ngành học này.

“Thứ nhất là vì bản thân có một sự yêu thích nhất định đối với việc xây dựng công trình. Em nhận thấy mình có khả năng giải quyết các vấn đề liên quan đến toán học, các bài toán không gian và logic. Ngoài ra, em cũng có hứng thú với việc thiết kế, đặc biệt là các không gian kiến trúc của các công trình nhà cao tầng.

Thứ hai, đây là một ngành nghề có tiềm năng phát triển lớn, đem lại nhiều lợi ích cho bản thân và cộng đồng.

Từ hai lý do trên, em thấy mình phù hợp với ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng, một ngành đóng góp trực tiếp vào công việc hình thành nên các công trình đô thị, vốn yêu cầu cao về việc tính toán lý thuyết”, Đức Quân cho biết.

Theo Đức Quân, tốc độ hiện đại hóa về cơ sở hạ tầng hiện nay đã làm tăng nhu cầu nguồn nhân lực trong ngành xây dựng. Ở Việt Nam, nhu cầu về xây dựng ngày càng lớn, từ các tòa cao tầng, trung tâm thương mại, khu công nghiệp đến các dự án điện gió. Bên cạnh đó, xây dựng là một lĩnh vực truyền thống với nhu cầu tuyển dụng lao động cao và ổn định. Vì vậy, Quân thấy cơ hội nghề nghiệp trong ngành này rất rộng mở trong tương lai.

Chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng

Theo Chủ nhiệm khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông, tại Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội, chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng được thiết kế nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức cơ bản và chuyên sâu về ngành, với 2 định hướng chính là Cầu đường và Xây dựng dân dụng và công nghiệp.

Sinh viên sẽ học các môn học cơ bản như Cơ học, Kết cấu, Vật liệu xây dựng và Nền móng, từ đó tiếp cận các môn học chuyên ngành như Thiết kế công trình, Kỹ thuật thi công, Quản lý dự án xây dựng. Chương trình đào tạo còn bao gồm các đồ án lớn ở ba học kỳ cuối, đồ án của các môn học và tối thiểu một học kỳ thực tập tại doanh nghiệp. Điều này giúp sinh viên không chỉ nắm vững lý thuyết mà còn có cơ hội áp dụng kiến thức vào thực tế, phát triển kỹ năng thực hành và nghiên cứu.

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Đình Đức chỉ ra rằng điểm khác biệt lớn nhất trong chương trình đào tạo của Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội so với các cơ sở đào tạo khác là sự kết hợp giữa kiến thức chuyên môn sâu rộng và kỹ năng thực hành. Chương trình đào tạo của trường tương đồng với các chương trình đào tạo ngành Civil Engineering tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới như Đại học Tokyo (Nhật Bản) và Đại học Melbourne (Úc).

Thêm vào đó, đội ngũ giảng viên của khoa là những chuyên gia uy tín, giàu kinh nghiệm từ các trường đại học hàng đầu như Trường Đại học Việt Nhật, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải và Trường Đại học Thủy lợi. Sinh viên cũng có cơ hội được học tập và hướng dẫn bởi các giảng viên từ các trường đại học quốc tế thông qua các chương trình hợp tác.

Đặc biệt, chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng đã được kiểm định chất lượng đào tạo trong năm 2023, đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Việc kiểm định này không chỉ khẳng định chất lượng đào tạo của trường mà còn tạo niềm tin cho sinh viên và phụ huynh về tương lai nghề nghiệp của sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Năm 2023, chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng đã được kiểm định chất lượng thành công. Ảnh: NTCC

Em Nguyễn Ngọc Yến Trang, sinh viên khóa 66 ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng, nhận xét rằng các kiến thức và kỹ năng được trang bị trong các môn học đều rất sát với thực tế, giúp sinh viên có thể áp dụng ngay vào công việc sau này. Ngoài ra, chương trình đào tạo liên tục được cập nhật và chỉnh sửa, chọn lọc những kiến thức trọng tâm phù hợp với thực tiễn và loại bỏ những kiến thức dư thừa.

Yến Trang nhấn mạnh rằng đội ngũ giảng dạy tại khoa gồm các nhà giáo, nhà khoa học uy tín, giàu kinh nghiệm và rất nhiệt tình. Đặc biệt, Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Chủ nhiệm khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông là nhà khoa học được xếp hạng top 94 thế giới trong lĩnh vực Kỹ thuật (Engineering), khiến sinh viên rất tự hào.

“Nhờ uy tín và các mối quan hệ của thầy, sinh viên có nhiều cơ hội học tập từ các giảng viên từ các trường đại học khác trên địa bàn Hà Nội, được nhận học bổng, tham gia thực hành và thực tập tại các doanh nghiệp và các phòng thí nghiệm, cũng như tham gia nghiên cứu khoa học và giao lưu với các nhà khoa học và sinh viên quốc tế”, Trang chia sẻ.

Sinh viên Công nghệ kỹ thuật xây dựng tham quan, kiến tập, thực tập tại các doanh nghiệp đối tác. Ảnh: NTCC

Em Hoàng Tiến Đạt, sinh viên khóa 67 ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng, chia sẻ: Chương trình đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng gồm các học phần thực hành khá đa dạng, có các tiết học bài tập xen lẫn với các tiết thực hành tại phòng thí nghiệm của khoa ở Hòa Lạc. Sinh viên được trực tiếp sử dụng các dụng cụ đo đạc, trực tiếp làm ra sản phẩm mẫu và xác định các tính chất cơ lý của mẫu thí nghiệm. Phòng thí nghiệm có thiết bị máy móc công nghệ tiên tiến, thầy cô hướng dẫn nhiệt tình.

Đạt cho biết, hàng năm khoa đều mời lãnh đạo của các công ty lớn trong lĩnh vực xây dựng đến chia sẻ và định hướng nghề nghiệp cho sinh viên. Về phía nhà trường, hàng năm trường cũng tổ chức Ngày hội việc làm, tạo cơ hội cho sinh viên tìm kiếm việc làm và kết nối với các nhà tuyển dụng

Sinh viên cần kỹ năng gì để đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội?

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực của thị trường lao động, thầy Đức cho biết, khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông không ngừng đổi mới và cải tiến chương trình giảng dạy, hướng tới các yêu cầu thực tế trong công việc. Khoa cũng được nhà trường đầu tư trang thiết bị và máy móc hiện đại cho phòng thí nghiệm, đồng thời tăng cường công tác thực hành và thực tập để nâng cao khả năng tiếp cận thực tế của sinh viên.

Bàn về những khó khăn chung trong ngành xây dựng và giao thông, thầy Đức nhận định, ngành này đang phải đối mặt với nhiều thách thức như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, và thiếu hụt công nghệ hiện đại.

Để đối phó với những thách thức này, chương trình đào tạo của Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tích hợp các học phần đặc sắc như Phát triển bền vững trong xây dựng và giao thông, Vật liệu tiên tiến, Năng lượng mới và tiết kiệm năng lượng, Chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong xây dựng.

Những học phần này giúp sinh viên hiểu rõ về các giải pháp xây dựng thân thiện với môi trường, cung cấp kiến thức về các loại vật liệu mới, giúp tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu ô nhiễm, tối ưu hóa các thông số thiết kế và cải thiện giải pháp xây dựng.

Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng thực tập tại phòng thí nghiệm. Ảnh: NTCC

Để thành công trong ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng, thầy Đức chỉ ra một số tố chất và kỹ năng quan trọng mà sinh viên cần có.

Đầu tiên là đam mê kỹ thuật và xây dựng, cùng với nền tảng kiến thức vững chắc về toán học, công nghệ thông tin, cơ học, vật lý và các kiến thức nền tảng của lĩnh vực Xây dựng – Giao thông.

Bên cạnh đó, khả năng tư duy logic, phân tích, phản biện, phát hiện và giải quyết vấn đề cũng rất quan trọng. Những khả năng đó kết hợp với tư duy sáng tạo, hiểu biết về truyền thống, khu vực học và các yếu tố cảnh quan, phong thủy và văn hóa sẽ giúp các bạn tìm ra các giải pháp tối ưu và hiệu quả cho các vấn đề đặt ra trong lĩnh vực xây dựng, giao thông và hạ tầng.

Ngoài ra, sinh viên cần có kỹ năng sử dụng thành thạo các phần mềm tính toán kết cấu, BIM, AI; kỹ năng quản lý, tổ chức và quản lý dự án, cũng như khả năng làm việc dưới áp lực.

Cuối cùng, ngoại ngữ, tinh thần học hỏi và sự cần cù, chịu khó là yếu tố không thể thiếu để có thể làm việc trong các công ty trong và ngoài nước, các công ty đa quốc gia, trong môi trường toàn cầu hóa và hội nhập

Còn với Hoàng Tiến Đạt, ngoài việc học tập, Đạt cho rằng sinh viên cần phải năng động tham gia các chương trình và hoạt động ngoại khóa của Đoàn và khoa. Những hoạt động này giúp sinh viên tích lũy và rèn luyện thêm các kỹ năng làm việc nhóm, tổ chức và giải quyết vấn đề.

“Không chỉ học tập mà sinh viên còn cần phải có một sự năng động thông qua tham gia các chương trình, hoạt động ngoại khóa của Đoàn và Khoa, từ đó tích lũy và rèn luyện thêm các kỹ năng làm việc nhóm, tổ chức và giải quyết vấn đề”, Tiến Đạt nhấn mạnh.

Ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng – Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội:

– Tổ hợp xét tuyển: A00, A01, D01

– Chỉ tiêu: 160

– Thời gian đào tạo: 4,5 năm

Website Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội: http://uet.vnu.edu.vn/

Fanpage Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội: https://www.facebook.com/UET.VNUH

Châu Anh

Posted in Cơ cấu tổ chức and tagged , , , , , , , , , , , , .