Ngành kỹ thuật, công nghệ đang là thời thượng của Việt Nam và thế giới

Những lĩnh vực có gắn với các từ khóa như số hóa, dữ liệu, thông minh và innovation (đổi mới sáng tạo)… đang là thời thượng của Việt Nam và thế giới.

Đó là chia sẻ của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội với thí sinh trong mùa tuyển sinh đại học năm 2020, thí sinh cần lưu ý những điều gì khi chọn ngành học để đăng ký xét tuyển? Làm thế nào để chọn được trường đại học có chất lượng, ngành học phù hợp với năng lực bản thân?

Thưa GS, thí sinh năm nay như lạc vào “ma trận” ngành nghề, nhiều ngành các thí sinh không hiểu hết là vào học thế nào, ra trường làm việc ở đâu… Với kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, nhiều năm quản lý đào tạo tuyển sinh của ĐH QGHN, Giáo sư có thể “mách nước” cho thí sinh chọn ngành học như thế nào không?

Việc chọn ngành, chọn trường đều là bài toán khó với không ít thí sinh cũng như phụ huynh. Các em sẽ phải đưa ra quyết định sẽ trường nào, ngành nào phù hợp với năng lực bản thân để theo học trong tương lai, cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp sẽ như thế nào?

Với kinh nghiệm của một nhà quản lý và nguyên tắc xét tuyển đại học những năm gần đây (thí sinh được được ký nhiều nguyện vọng) và cũng là phụ huynh của 2 con, tôi có lời khuyên với các em: hãy chọn ngành các em yêu thích nhất (nguyện vọng 1), tiếp đó là ngành phù hợp với năng lực mỗi cá nhân (nguyện vọng 2) ở trường đại học mà các em thích và tin cậy nhất, và nên chọn từ 2-3 nguyện vọng dự phòng ở các trường tốp thấp hơn.

Để thí sinh hiểu rõ về ngành/chương trình đào tạo, ĐHQGHN đã xây dựng Cổng thông tin tuyển sinh ĐHCQ từ năm 2017 để hỗ trợ thí sinh, phụ huynh tìm kiếm thông tin một cách dễ dàng nhất.

Vì vậy, với 133 ngành/chương trình đào tạo đại học chính quy thuộc các lĩnh vực khác nhau: Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội và nhân văn, Công nghệ – Kỹ thuật, Kinh tế – Luật, Y – Dược, Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên nhưng thí sinh có thể tìm hiểu về các ngành, các CTĐT của ĐHQGHN một cách dễ dàng.

Ngành kỹ thuật, công nghệ đang là thời thượng của Việt Nam và thế giới - 1
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo của ĐH Quốc gia Hà Nội

CNTT và ngoại ngữ là hành trang không thể thiếu với mỗi người trong thời đại CMCN 4.0

Theo GS, ngành học nào có lợi thế và việc làm hấp dẫn trong thời cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay?

Hiện nay, cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 với những đặc trưng cốt lõi nhất là CNTT, Tự động hóa và Trí tuệ nhân tạo, vì vậy, thí sinh chọn những ngành/lĩnh vực liên quan đến những lĩnh vực này, hoặc những lĩnh vực vệ tinh có liên quan trực tiếp với các yêu tố trên như điện tử, vật liệu mới, cơ điện tử, khoa học dữ liệu,… gắn với các từ khóa như số hóa, dữ liệu, thông minh và innovation (đổi mới sáng tạo) đang là thời thượng của Việt Nam và thế giới.

Các kết quả nghiên cứu khảo sát cho thấy Việt Nam có sự mất cân đối về cơ cấu nhân lực theo ngành nghề so với khu vực và thế giới. Tỷ lệ sinh viên các ngành kỹ thuật còn khá khiêm tốn so với những ngành khác. Vì vậy, trong thời gian tới, nhu cầu nhân lực trong những ngành kỹ thuật, công nghệ sẽ rất lớn và sinh viên ra trường dễ có việc làm.

Bên cạnh đó, các ngành học liên quan đến hạ tầng, như công nghệ xây dựng giao thông (gắn với thông minh và tăng trưởng xanh) thì cả Việt Nam và thế giới đều có nhu cầu rất cao về nguồn nhân lực trong những lĩnh vực này.

Giáo dục đại học trong thời đại CMCN là cuộc cách mạng có đặc trưng của giáo dục STEM và khai phóng, vì vậy, những ngành học liên quan đến STEM (trong KHTN, kỹ thuật, công nghệ) và khai phóng (liên quan đến các lĩnh vực KHXH, liên ngành) sẽ là những lĩnh vực rất có tương lai.

Thậm chí hiện nay ở Nhật Bản còn đã bắt đầu xây dựng xã hội 5.0., một xã hội của tương lai với quan hệ sản xuất và kiến trúc thượng tầng phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất thông minh trong CMCN 4.0, vì vậy, những ngành học về tâm lý, xã hội học, khu vực học, truyền thông,…

Các lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn và những lĩnh vực kinh tế gắn với thương mại điện tử, vận hành nền kinh tế số và luật học, các lĩnh vực khoa học sức khỏe,…đương nhiên cũng sẽ là những lĩnh vực mà toàn cầu có nhu cầu rất cao trong thời gian tới.

Cuộc CMCN 4.0 mở ra rất nhiều cơ hội mới cho những sinh viên theo đuổi ước mơ khởi nghiệp. Giữa thời đại công nghệ phát triển và thay đổi nhanh chóng, các em cần hiểu rõ công việc, giá trị nghề nghiệp trong tương lai của mình, xu thế của thời đại để có những sự lựa chọn đúng đắn nhất, đồng thời có sự chuẩn bị tốt nhất về kiến thức, kỹ năng cho tương lai của mình.

CNTT và ngoại ngữ là hành trang không thể thiếu với mỗi người trong thời đại CMCN 4.0, và từ trải nghiệm của bản thân, tôi cho rằng nếu có một đam mê và sự kiên trì thì ngành nghề nào cũng có thể đem lại cho các bạn cơ hội và thành công.

 Thưa GS, về xét tuyển đại học năm nay, ĐHQGHN có tới hơn 100 ngành nghề đào tạo, vậy thí sinh vào học có được lợi thế gì?

 Như tôi đã nói ở trên, năm nay ĐHQGHN tuyển sinh với 10.420 chỉ tiêu cho 133 ngành/chương trình đào tạo. Số lượng các chương trình đào tạo ở ĐHQGHN vô cùng phong phú.

Với thế mạnh đa ngành, đa lĩnh vực, sinh viên vào ĐHQGHN sẽ được học bằng kép (học cùng lúc 2 chương trình đào tạo và được nhận 2 bằng đại học cùng lúc trong thời gian từ 4,5 – 5 năm), ví dụ sinh viên học hết năm thứ nhất ngành quan hệ quốc tế ở trường ĐH KHXHNV, có học lực từ khá trở lên có thể đăng ký học để lấy bằng Luật học ở Khoa Luật; hoặc sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật xây dựng ở Trường ĐH Công nghệ có thể học để lấy bằng CNTT,….

Thí sinh vào học đại học tại các trường thành viên/khoa trực thuộc ĐHQGHN sẽ có nhiều cơ hội như: được đi trao đổi sinh viên từ 1-2 học kỳ tại các nước ASEAN, Nhật, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước khác (CH Séc, Hà Lan,..) hoặc được học bằng kép (học cùng lúc 2 chương trình đào tạo và được nhận 2 bằng đại học cùng lúc trong thời gian từ 4,5 – 5 năm), ví dụ sinh viên học ) hoặc được chuyển tiếp nghiên cứu sinh làm luận án TS ngay nếu SV tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc.

Các sinh viên của ĐHQGHN còn có cơ hội tham gia vào các nhóm nghiên cứu mạnh, được tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia các đề tài nghiên cứu cùng các GS hàng đầu của Việt Nam cũng như các GS đến từ nhiều trường ĐH nước ngoài (như Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc,…); có cơ hội giao lưu với sinh viên nước ngoài đang học tại ĐHQGHN, cũng như tham gia các câu lạc bộ với nhiều hoạt động rất đa dạng và phong phú của đoàn thanh niên và hội sinh viên.

Ngành kỹ thuật, công nghệ đang là thời thượng của Việt Nam và thế giới - 2
Việc chọn ngành nghề rất quan trọng với sự nghiệp và tương lai của các em sau này.

Hàng năm ĐH QGHN số lượng sinh viên ra trường có việc làm của ĐH QGHN đạt bao nhiêu % thưa GS? Tiêu chuẩn đầu ra của sinh viên ĐH QGHN như thế nào?

 Tính trung bình mỗi năm, ĐHQGHN có gần 5.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.

Mỗi lĩnh vực, tỉ lệ SVTN có việc làm cũng khác nhau, ví dụ: Khối sức khỏe (ngành Y khoa, ngành Dược học) tỉ lệ SVTN có việc làm đúng ngành là 100% ngay sau khi tốt nghiệp;

Các nhóm ngành Công nghệ thông tin, Kỹ thuật, Khách sạn, Du lịch, Ngoại ngữ tỉ lệ SVTN có việc làm xấp xỉ 95 %; Các nhóm ngành khác có tỉ lệ thấp hơn một chút nhưng đều xấp xỉ 80%;

Chuẩn đầu ra của mỗi CTĐT là khác nhau nhưng tiêu chuẩn tối thiểu là sinh viên phải hoàn thành tối thiểu 120 tín chỉ đối với CTĐT chuẩn và tối thiểu 150 tín chỉ đối với các CTĐT tài năng, 180 tín chỉ đối với ngành Y khoa (không bao gồm ngoại ngữ và các kỹ năng bổ trợ, giáo dục quốc phòng và giáo dục thể chất);

Đồng thời đạt chuẩn ngoại ngữ bậc 3/6 theo Khung NLNN của Việt Nam hoặc các chứng chỉ quốc tế tương đương (đối với CTĐT chuẩn), bậc 4/6 đối với các CTĐT chất lượng cao, tài năng và bậc 5/6 đối với các CTĐT chuẩn quốc tế, tiên tiến.

Thí sinh suy nghĩ thật kỹ trước khi đăng ký xét tuyển đại học

GS có chia sẻ và lời khuyên gì với các thí sinh chuẩn bị đăng ký hồ sơ xét tuyển đại học?

Trước mắt, các em hãy giữ gìn sức khỏe và tập trung ôn tập thật tốt cho kỳ thi phía trước (được tổ chức vào ngày 9-10/8/2020 tới đây);

Việc chọn ngành nghề rất quan trọng với sự nghiệp và tương lai của các em sau này. Thí sinh hãy vào trang web của các trường đề tìm hiểu về ngành đào tạo mà mình định lựa chọn, về những thông tin cơ bản nhất như cơ hội việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, chất lượng và uy tín của đội ngũ giảng viên, CSVC, các thành tích giảng dạy và nghiên cứu của Khoa/trường, các điều kiện CSVC và  đảm bảo chất chất lượng,…

Uy tín của nhà trường cũng là một tham số rất quan trọng để lựa chọn. Các em hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi điền phiếu ĐKDT và ĐKXT và chọn ngành, chọn trường các em yêu thích, phù hợp với năng lực mỗi cá nhân và một vài phương án dự phòng ở những trường tốp thấp hơn.

Tuy nhiên, các em cũng không nên lo lắng quá, vì sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và các trường đại học thông báo ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn), các em được phép điều chỉnh nguyện vọng một lần (từ ngày 9-20/9/2020).

Chúc các sĩ tử thi tốt và chọn được ngành học yêu thích, trường đại học yêu thích. ĐHQGHN đang sẵn sàng đón chào các em!

Trân trọng cảm ơn GS!

Hồng Hạnh

THÀNH CÔNG TỪ MÔ HÌNH ĐÀO TẠO NHÂN TÀI TRONG THỜI ĐẠI CMCN 4.0 CỦA GS NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC

   Nhóm nghiên cứu về vật liệu và kết cấu tiên tiến của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức ở Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những nhóm nghiên cứu mạnh của Việt Nam, được biết đến trong cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế. Bài học thành công của mô hình này đã chứng minh những cách đi sáng tạo và độc đáo để giáo dục đại học và khoa học Việt Nam tiếp cận nhanh và hiệu quả với các chuẩn mực của quốc tế. 

                                (Bài đã được tóm lược đăng trên Dân trí, ngày 18.4.2019)

 Thành lập nhóm nghiên cứu, xây dựng mô hình bắt đầu từ tâm huyết của một người thầy – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức.

Hiện nay, nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường đại học, tạo sản phẩm đầu ra (các em sinh viên) có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn, công ty là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các trường đại học ở Việt Nam. Hơn thế nữa, trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề đào tào nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể cạnh tranh trong môi trường quốc tế và khu vực đã thôi thúc GS.TSKH Nguyễn Đình Đức bắt tay vào thành lập Nhóm Nghiên cứu (NNC) của riêng mình.

Khởi đầu với nguồn tài chính bằng con số không để xây dựng NNC, năm 2010 GS Đức đã tập hợp, tuyển chọn, dìu dắt những sinh viên đam mê học tập và nghiên cứu khoa học. Ban đầu nhóm chỉ có thầy và vài trò; nơi làm việc cũng hết sức đơn sơ, chỉ là phòng làm việc của thầy sau giờ hành chính, giảng đường đã tan học hay quán nước nhỏ bên hè. Nhưng với tâm huyết của người thầy, sinh viên tìm đến tham gia vào nhóm ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh công việc học tập trên lớp, các sinh viên đã được GS. Nguyễn Đình Đức hướng dẫn tập trung nghiên cứu khoa học. Được sinh hoạt trong nhóm nghiên cứu, các sinh viên không chỉ nâng cao về kết quả học tập ở bậc đại học, quan trọng hơn, các em được làm quen và trưởng thành trong môi trường nghiên cứu khoa học. Mục đích của NNC được GS. Nguyễn Đình Đức xác định không chỉ công bố ở những tạp chí chuyên ngành có uy tín ở trong nước mà tham gia vào “sân chơi” khoa học chuyên ngành quốc tế. Để đạt được mục đích đó, GS. Đức đã tìm hiểu, nắm bắt được những hướng nghiên cứu mới của thế giới, triển khai trong NNC. GS. Nguyễn Đình Đức đã tận tình chỉ bảo, đã định hướng nghiên cứu cho từng sinh viên, giao bài tập tính toán, đôn đốc, kiểm tra kết quả, thảo luận và tiến tới công bố quốc tế. Cứ kiên trì như vậy, công lao của thầy và trò được đền đáp bằng những bài báo quốc tế trên các tạp chí có uy tín.

Như vậy, có thể nói, thành lập NNC với giai đoạn đầu là giai đoạn “khởi nghiệp” trong khoa học của thầy và trò gắn với những gặt hái đầu tiên là các bài báo công bố quốc tế. Đây là nền tảng rất quan trọng để NNC tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2107, đây là giai đoạn trưởng thành và bứt phá về mọi mặt của NNC. Thời kỳ này NNC có sự chuyển biến về chất. Trên cơ sở đó, năm 2014, GS. Nguyễn Đình Đức đã đề xuất và được lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ – ĐHQG ủng hộ thành lập phòng thí nghiệm (PTN). Với mô hình và cơ cấu mới, PTN đã mở rộng hợp tác với các Bộ môn, PTN của quốc tế (Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, UK,…) và các trường đại học trong nước (Học Viện KTQS, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Việt Nhật…). Hoạt động của NNC không ngừng được thúc đẩy, mở rộng. Không chỉ sinh viên, NCS, Th.S các trường đại học mà cả những TS, PGS, GS đang là giảng viên các trường đại học trong và ngoài nước tham gia vào nhóm nghiên cứu. Lĩnh vực nghiên cứu cũng có bước đột phá từ  nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu ứng dụng. PTN đã mở rộng các hướng nghiên cứu liên quan đến kỹ thuật hạ tầng, biến đổi khí hậu, các công trình đặc biệt, vật liệu tiên tiến, hợp tác sâu rộng với các nhà khoa học quốc tế, đầu mối tổ chức thành công những hội nghị quốc tế lớn có uy tín.

Xuất phát từ nhận thức: NNC có thể lúc mạnh, lúc yếu, nhưng để trường tồn và phát triển bền vững, NNC phải gắn với đào tạo. Sự phát triển của NNC phải gắn với việc mở các ngành mới, khoa mới, thành lập các tổ chức mới. Từ triết lý đó, trên nền tảng của NNC mạnh, GS. Nguyễn Đình Đức còn mở thêm Ngành và Khoa mới. Nắm bắt được hướng phát triển của kỹ thuật, công nghệ hiện đại không thể thiếu lĩnh vực vật liệu và kết cấu tiến tiến, GS. Nguyễn Đình Đưcx đã xin mở đào tạo chuyên ngành Vật liệu và Kết cấu tiên tiến tại Khoa Cơ học Kỹ thuật (Đại học Công nghệ, ĐHQGHN) vào năm 2015. Đến nay, Khoa đã bước sang năm thứ 4 đào tạo sinh viên theo chuyên ngành này. Ngoài ra, NNC cũng là chỗ dựa quan trọng để gây dựng ngành Kỹ thuật hạ tầng ở ĐH Việt Nhật và Ngành Kỹ sư Xây dựng-Giao thông ở ĐH Công nghệ. 3 năm sau, năm 2018, GS. Nguyễn Đình Đức tiếp tục thành lập Khoa mới – Khoa Công nghệ Kỹ thuật  Xây dựng – Giao thông, mở ra sự hợp tác mới với các  Khoa, các Trường Đại học lớn, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Ngoài ra, NNC cũng là chỗ dựa quan trọng để gây dựng ngành Kỹ thuật hạ tầng ở ĐH Việt Nhật và Ngành Kỹ sư Xây dựng-Giao thông ở ĐH Công nghệ.

Như vậy, từ mô hình NNC với hoạt động chính là nghiên cứu khoa học để có những công bố quốc tế, đã hình thành nên mô hình mới đó là  PTN – nơi chuyển từ những nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu ứng dụng với kết quả là các bằng sáng chế khoa học. Cũng từ hạt nhân NNC, với sự đòi hỏi phát triển từ nội tại, các Ngành, Khoa mới được thành lập để đáp ứng nhu cầu đào tạo bổ sung nhân lực (các kỹ sư) cho xã hội và cho chính NNC. Các thành viên của NNC không chỉ sinh hoạt khoa học trong NNC mà còn là những thầy, cô giáo tham gia giảng dạy ở những Ngành, Khoa mới vừa thành lập. Đây là mô hình đào tạo rất mới, rất sáng tạo ở Việt Nam.

Mô hình NCC – mô hình đào tạo nhân tài theo hướng cá thể hóa.

Đến nay, NNC có 40 thành viên, đứng đầu là GS. Nguyễn Đình Đức trưởng nhóm, các thầy, cô là giảng viên ở các trường đại học, các TS trẻ, NCS, Học viên cao học và sinh viên. Mô hình đào tạo của NNC theo hướng cá thể hóa. Điều đó có nghĩa là, trách nhiệm của người đứng đầu NNC rất quan trọng. NNC được tổ chức hoạt động phân cấp theo cơ chế mềm. Đứng đầu là GS. Trưởng NNC, tiếp theo là các tiến sĩ, NCS rồi đến sinh viên các khóa.

Để nhóm NNC hoạt động hiệu quả trong nghiên cứu, đào tạo đến từng cá nhân, nhóm NNC được chia làm nhiều nhóm nhỏ. Đứng đầu phụ trách mỗi nhóm nhỏ do các tiến sĩ trẻ đảm nhận; chịu trách nhiệm triển khai, đôn đốc các nhiệm vụ khoa học khi được GS. Trưởng nhóm giao phó.

Trên cơ sở các hướng nghiên cứu chung, GS Trưởng NNC là người sẽ giao nội dung, nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể cho từng thành viên hoặc cho các nhóm nhỏ dựa trên thế mạnh của họ. Khi nhận được nhiệm vụ từ GS. Trưởng nhóm, các TS trẻ đứng đầu mỗi nhóm chỉ bảo, dìu dắt cho các NCS trong nhóm; tiếp đến các NCS này lại dìu dắt, hỗ trợ cho các em sinh viên. Trong nhóm sinh viên, những sinh viên năm trên có nhiệm vụ giúp đỡ sinh viên năm dưới mới tham gia vào NNC. Hằng tuần, NNC đều tổ chức Seminar khoa học. Đặc biệt, thông qua hoạt động và hợp tác của NNC, các thành viên trong nhóm còn được tham gia các buổi thảo luận, tập huấn, Seminar của các GS nước ngoài. Qua đó, những vấn đề mới trong khoa học được bàn luận, giải đáp.

Trong quá trình tham gia NNC, nhiều sinh viên, NCS đã được cử đi thực tập tại các trường đại học lớn như ĐH Osaka (Nhật Bản), ĐH Birmingham (UK), …và doanh nghiệp có uy tín như CONINCO,…. Các em được tham dự hội thảo khoa học lớn trong nước và quốc tế. Sinh viên năm thứ 4 được thực tập thực tế 1 học kỳ ở một số công ty. Trình độ và kiến thức thực tế của sinh viên, NCS được nâng cao qua những lần được ra hiện trường, tiếp xúc với Tổng công trình sư, các kỹ sư, được đọc bản vẽ, tư vấn, giám sát cùng các kỹ sư…. Sau khi tốt nghiệp, những sinh viên, NCS có học lực và kết quả nghiên cứu tốt sẽ được giới thiệu chuyển tiếp nghiên cứu sinh hoặc đi làm việc ở nước ngoài. Ngược lại, NNC cũng là môi trường để tiếp nhận các NCS và cán bộ nghiên cứu của nước ngoài đến trao đổi, nghiên cứu tại Việt Nam. Bên cạnh hoạt động chuyên môn, NNC còn tổ chức các buổi tổng kết cuối năm, tham quan du xuân vào đầu năm, dã ngoại, viếng mộ các anh hùng liệt sĩ…

Như vậy, có thể thấy sau khi chuyển đổi từ đào tạo niên chế (tổ chức theo lớp, khóa, có giáo viên chủ nhiệm) sang hình thức đào tạo theo tín chỉ (không còn lớp biên chế cứng, sinh viên được chọn môn học, không còn giáo viên chủ nhiệm,…), do vậy, mối quan hệ hợp tác giữa những người học theo tín chỉ trở nên lỏng lẻo. Mô hình NNC chính là mô hình rất hiệu quả, không chỉ học gắn với hành mà còn gắn kết các GS, PGS, các thầy cô với sinh viên, NCS thành một khối thống nhất, trong đó, có sự dìu dắt, chỉ bảo và định hướng, giúp đỡ tận tình từ những người thầy và các thành viên trong nhóm. Các thành viên tham gia NNC được làm việc trong môi trường tập thể nhưng được giao nhiệm vụ chuyên môn riêng, được phát triển tài năng gắn với những thành quả khoa học của từng cá nhân. Mô hình NNC còn là mô hình không chỉ đào tạo, phát triển về chuyên môn khoa học mà còn giáo dục nhân cách, tinh thần làm việc nhóm, sự hợp tác và các kỹ năng mềm cho sinh viên một cách hiệu quả. NNC chính là mô hình đào tạo các tài năng theo hướng cá thể hóa, phù hợp với sự chuyển đổi của giáo dục đại học trong bối cảnh CMCN 4.0.

Tính ưu việt của mô hình NNC

Từ mô hình hoạt động NNC của GS. Nguyễn Đình Đưcx cho thấy, đây là hình thức thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng tập trung hóa và chuyên môn hóa hiệu quả. Các nhà nghiên cứu trong nhóm nỗ lực cùng phát triển mục tiêu chung, phối hợp nguồn lực và chia sẻ công việc nhằm hướng đến mục tiêu chung của nhóm. Sự gắn kết trong nhóm nghiên cứu thường được thúc đẩy bởi các hoạt động như sinh hoạt khoa học thường xuyên, khuyến khích các cuộc tranh luận mang tính tích cực và tăng cường sự tín nhiệm giữa các nhà nghiên cứu trong nhóm.

Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đồng thời kết hợp với đào tạo thông qua nghiên cứu. Thực tiễn từ mô hình của NNC của GS. Nguyễn Đình Đức cho thấy, việc hình thành các nhóm nghiên cứu tạo nên hệ thống nghiên cứu khoa học rất vững mạnh của tổ chức KH&CN, nhất là đối với các trường đại học. Nhóm nghiên cứu là nơi tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học kết hợp với đào tạo, cụ thể là đào tạo qua nghiên cứu. Kết quả của các nhóm nghiên cứu góp phần đẩy mạnh công bố quốc tế; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhân lực kế cận. Đồng thời, NNC khắc phục được hạn chế của một tổ chức/đơn vị nghiên cứu “cứng”. Nếu như hoạt động của một đơn vị nghiên cứu “cứng” thường bị ràng buộc bởi các giới hạn mang tính thể chế về chức năng, nhiệm vụ, cấu trúc hành chính, nguồn lực,…thì nhóm nghiên cứu hầu như không bị ràng buộc bởi các giới hạn này. Mặc dù vậy, các quyền tự trị về quản lý, tự chủ về nguồn lực và tự do về học thuật của nhóm nghiên cứu luôn đi cùng với trách nhiệm đạt được mục tiêu của họ, đây chính là điều kiện để nhóm nghiên cứu tiếp tục tồn tại và phát triển. Từ NNC có thể thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước trong đào tạo và nghiên cứu theo mô hình “Uber hóa’’ trong giáo dục.

NNC cũng chính là môi trường để thu hút nhân tài, triển khai hội nhập quốc tế trong hoạt động đào tạo và NCKH. Mấu chốt thành công của mô hình này trước hết, người thầy (trưởng nhóm) phải tâm huyết, dẫn dắt được NNC tới các hướng nghiên cứu hiện đại, khích lệ được sự đam mê, tham gia tích cực với hoài bão khoa học của các em NCS và sinh viên.

Mô hình này được đánh giá là rất thành công bởi đã đào tạo được những NCS, sinh viên không chỉ có chất lượng tốt, có nền tảng kiến thức vững chắc về toán học, vật lý, cơ học, CNTT,…, có kinh nghiệm thực tế mà còn được tôi luyện về ý chí, tinh thần và sức sáng tạo mỗi khi bắt tay vào nghiên cứu những vấn đề khoa học mới.

Kinh nghiệm của các nước tiên tiến đã chỉ ra, NNC mạnh chính là hạt nhân phát triển của những Trung tâm nghiên cứu xuất sắc (CoE) trong trường đại học. Việc hình thành các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc trong trường đại học từ các nhóm nghiên cứu mạnh đã tạo ra những đơn vị hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, và đổi mới ở trình độ cao. Trong vài thập kỷ gần đây, các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc đã rất phát triển trong nhiều trường đại học, trong đó, ở cả các nước có nền khoa học tiên tiến (Mỹ, Nhật, Anh, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc,…) và các nước đang phát triển (Brazil, Saudi Arabia,…). Mỹ là nước đi đầu và có nhiều thành công trong lĩnh vực này. Ví dụ, Viện Richard E.Smalley – Đại học Rice (thành lập năm 1993), được xem là một Trung tâm xuất sắc với sứ mệnh dẫn đầu thế giới về nghiên cứu công nghệ nano. Đã có hai nhà khoa học (đồng thời cũng là các trưởng nhóm nghiên cứu mạnh) của Viện được nhận giải Nobel về hóa học năm 1996 là R.Smalley và R.Curi. Năm 2005, viện này được tạp chí Small Time bầu là viện nghiên cứu đứng đầu thế giới về công nghệ nano.

Một số kết quả của mô hình NNC

Chỉ sau 9 năm xây dựng và phát triển, NNC của GS. Nguyễn Đình Đức đã  đạt được nhiều kết quả quan trọng trong nghiên cứu và đào tạo, đồng thời góp phần phục vụ thực tiễn. NNC đã  công bố 250 bài báo, báo cáo khoa học, trong đó có 125 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế ISI (SCI, SCIE) có uy tín, được cấp 1 bằng sáng chế trong sản xuất chế tạo vật liệu nanocomposite, xuất bản giáo trình và sách chuyên khảo (bằng tiếng Anh) phục vụ đào tạo đại học, sau đại học, đã có 5 NCS bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sỹ và đang đào tạo 10 NCS. Đến nay ngành Cơ học Việt Nam đã trao 5 giải thưởng Nguyễn Văn Đạo cho các nhà khoa học trẻ tài năng thì 2 học trò trong NNC là TS Hoàng Văn Tùng và TS Trần Quốc Quân đã vinh dự được nhận giải thưởng này. Tất cả các thành viên tham gia NNC đều gặt hái được nhiều bài báo quốc tế, đặc biệt là các em NCS, sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã có bề dày thành tích về công bố quốc tế như Phạm Hồng Công 23 bài ISI, Trần Quốc Quân 20 bài ISI, Vũ Thị Thùy Anh 9 bài ISI, Vũ Đình Quang 7 bài ISI, Phạm Đình Nguyện 6 bài ISI,…Uy tín của nhóm nghiên cứu đã vang xa và có sức thu hút trong cộng đồng khoa học quốc tế.

                   GS.TSKH  Nguyễn Đình Đức và các học trò trong NNC bảo vệ luận án TS

NNC cũng giữ vai trò nòng cột tổ chức nhiều hội nghị quốc tế có uy tín thành công như ICEMA 2010, ICEMA2012, ICEMA2014, ICEMA2016, Hội nghị quốc tế về tối ưu hóa theo thuật toán của bầy ong (3/2018) và Hội nghị quốc tế về tính toán trong khoa học vật liệu ACCMS TM 2018 (9/2018) với hàng trăm nhà khoa học hàng đầu của quốc tế tham gia,…

Chính nhờ mô hình hoạt động hiệu quả, có uy tín và chất lượng như vậy, NNC đã và đang có quan hệ hợp tác bình đẳng, ngang tầm với các nhà PTN và các nhà khoa học có uy tín trong các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Úc, Canada,….như Đại học  Công nghệ Tokyo và Đại học Tổng hợp Tokyo (Nhật Bản), Đại học Tổng hợp Melbourne(Úc), Đại học Birmingham (UK), ĐH Yonsei (Hàn Quốc), Đại học Tổng hợp Matxcova MGU (Liên bang Nga),…GS trưởng NNC cũng là thành viên của Hội đồng quốc tế về tính toán trong khoa học vật liệu ACCMS, thành viên Ủy ban quốc tế về vật liệu chức năng thông minh có cơ lý tính biến đổi FGM và thành viên ban biên tập của nhiều tạo chí quốc tế ISI.

Như vậy, nếu so sánh về nguồn tài chính đầu tư vô cùng ít ỏi và thành tựu đạt được của một NNC như trên cho thấy mô hình NNC vừa có ưu điểm gọn nhẹ và hiệu quả hơn hẳn một số Viện, Trung tâm nghiên cứu trong nước.

Còn so sánh kinh phí đầu tư NNC trong nước của GS. Nguyễn Đình Đức với mô hình của các NNC mạnh trên thế giới, thì chỉ bằng 1%.

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất so với nước ngoài, là khi có kinh phí, có dự án đề tài mới thành lập NNC; nhưng ở Việt Nam, qua mô hình của NNC của GS. Nguyễn Đình Đức cho thấy, dẫu còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng NNC vẫn được hình thành và phát triển hiệu quả và phát triển bằng nội lực made in Vietnam 100%.

                                         ——————————–

 

 

 

GS Nguyễn Đình Đức: Nhật Bản xậy dựng xã hội 5.0

 Nhật Bản xây dựng xã hội 5.0

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội

            Cả thế giới đang ở trong bôi cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng hiện nay, Nhật Bản đã nói tới và đề ra nhiệm vụ xây dựng Xã hội 5.0.

Vậy xã hội 5.0 của người Nhật là gì?

Khái niệm “Xã hội 5.0” được đề xuất trong Kế hoạch Khoa học Công nghệ lần thứ 5 của Chính phủ Nhật Bản (the 5th Science and Techonology Basic Plan) 2016-2020. Các Kế hoạch Khoa học Công nghệ của Nhật Bản được xây dựng 5 năm một lần, kể từ lần đầu tiên vào năm 1996, căn cứ theo Luật Cơ sở về Khoa học và Công nghệ ban hành năm 1995. Luật này ra đời trong bối cảnh nước Nhật có mong muốn mạnh mẽ đột phá khỏi con đường khoa học công nghệ từ trước đến nay do phương Tây dẫn đầu, tiến lên khám phá những lĩnh vực khoa học công nghệ chưa từng có ai đặt chân đến, để góp phần giải quyết những vấn đề toàn cầu, những vấn đề thách thức nhân loại. Căn cứ trên các Kế hoạch Khoa học Công nghệ, suốt 20 năm qua, chính phủ Nhật Bản đã có những chính sách đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, cải tổ cơ chế tổ chức thực hiện nghiên cứu và phát triển, xây dựng và trang bị các cơ sở nghiên cứu hiện đại, mở rộng hoạt động trao đổi và hợp tác quốc tế …

Trong Kế hoạch Khoa học và Công nghệ lần thứ năm, ngay từ 2016, khái niệm Xã hội 5.0 được Nhật Bản định nghĩa là “một xã hội lấy con người là trung tâm; là xã hội cân bằng giữa phát triển về kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội bằng hệ thống tích hợp cao giữa không gian ảo và không gian thực”.

           Tại sao Nhật Bản lại đề ra xã hội 5.0

Xuất phát từ những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, nhu cầu cao về sản xuất lương thực và các sản phẩm tiêu dùng phục vụ cho sự gia tăng dân số trên toàn cầu, cùng với những vấn đề kinh tế và xã hội mà nước Nhật đang phải đối mặt như: sự cạnh tranh kinh tế trên toàn cầu, xã hội “siêu” già hóa với hơn 100,000 người trên 100 tuổi (trong tổng dân số 120 triệu người) với gánh nặng chăm sóc y tế ngày càng tăng, dân số trẻ sụt giảm khiến thiếu lao động đặc biệt là lao động trong những lĩnh vực có mức độ sáng tạo thấp …, Kế hoạch Khoa học Công nghệ lần thứ 5 của Nhật Bản đã đề xuất khái niệm Xã hội 5.0 và các định hướng, các chính sách về khoa học và công nghệ để tiến đến Xã hội 5.0, một mặt khẳng định vị thế của Nhật Bản trong quá trình cạnh tranh toàn cầu, mặt khác đóng góp vào việc giải quyết những vấn đề chung của nhân loại và giải quyết những vấn đề riêng của nước Nhật, hướng đến một sự phát triển bền vững.

Xã hội 5.0 của Nhật bản gồm những nội dung gì?

Theo quan niệm của Nhật Bản, từ trước đến nay xã hội loài  ngườ đã trải qua:

“Xã hội 1.0” là Thời kỳ nguyên thủy săn bắn,

“Xã hội 2.0” là Xã hội nông nghiệp

“Xã hội 3.0”  là Xã hội công nghiệp, là thời kỳ cơ khí hóa với đầu máy hơi nước và việc sử dụng điện

“Xã hội 4.0” là Xã hội thông tin, trong đó giá trị gia tăng được tạo ra nhờ việc kết nối các tài sản phi vật chất qua mạng internet.

Với Xã hội 5.0, có bốn yếu tố kỹ thuật đóng vai trò quan trọng nhất trí tuệ nhân tạo (AI), big data, tự động hóa (robot) và IoT (internet vạn vật). Trong Xã hội 5.0, một lượng dữ liệu vô cùng lớn được thu thập từ rất nhiều nguồn khác nhau, thông qua IoT, từ các cảm biến, camera v.v. trong không gian thực được tích lũy vào “không gian đám mây” (có thể gọi là không gian ảo). Tại không gian ảo đó, trí tuệ nhân tạo với khả năng phân tích, dự đoán vượt cả trí tuệ của con người sẽ phân tích khối dữ liệu khổng lồ nói trên, và truyền kết quả phân tích trở lại cho không gian thực dưới rất nhiều hình thức khác nhau. Trước đây, trong xã hội thông tin (Xã hội 4.0), dữ liệu được thu thập về sẽ do con người phân tích, còn trong Xã hội 5.0, con người, vạn vật và các hệ thống được kết nối với nhau tại không gian ảo, siêu thông minh. Có thể ví von một cách hình tượng cho dễ hiểu là không gian ảo có trí tuệ nhân tạo là bộ não, robot-tự động hóa là cơ bắp và IoT và các dữ liệu lớn được phân tích làm nên hệ thần kinh, và kết quả phân tích được kỳ vọng là những kết quả tối ưu, vượt quá cả khả năng phân tích của con người. Nếu trong Xã hội 4.0, người máy thực hiện, thao tác theo sự điều khiển của con người, thì trong Xã hội 5.0, sẽ có người máy siêu thông minh, biết cảm thụ và nhận thức, có thể đưa ra các quyết định thay cho con người.

Tác động và ảnh hưởng của Xã hội 5.0 sẽ như thế nào?

Trên đà định hướng phát triển đó, người Nhật đang chạy đua nước rút, chuẩn bị để Thế giới chứng kiến thế vận hội 2020 tại Nhật Bản ngỡ ngàng với những thành phố thông minh, giao thông thông minh và những sản phẩm mới, siêu thông minh.

Người ta cho rằng trong Xã hội 5.0, cuộc sống của con người sẽ tốt đẹp hơn. Xã hội con người sẽ giải quyết được các vấn đề như biến đổi khí hậu, ùn tắc giao thông, thiếu lương thực, xóa khoảng cách giàu nghèo. Con người sẽ được hưởng những sản phẩm, dịch vụ, tiện ích tốt hơn, với số lượng vừa đủ, tại thời điểm phù hợp nhất.

Cụ thể, trong lĩnh vực chăm sóc y tế, có thể hình dung người cao tuổi sẽ không cần vất vả đi khám tại các bệnh viện khác nhau do nhiều bệnh khác nhau, mà có thể được chẩn đoán từ “bác sĩ ảo” qua màn hình máy tính từ nhà, được phát thuốc đến tận nhà bằng các phương tiện bay, hoặc được chăm sóc y tế bằng các robot.

Trong lĩnh vực giao thông, các xe tự lái sẽ giúp người tham gia giao thông thư giãn và an toàn, việc giao nhận bằng các phương tiện bay tự hành cũng sẽ giúp giảm thiểu lượng giao thông trên đường espanolcialis.net.

Trong lĩnh vực kỹ thuật hạ tầng, toàn bộ hệ thống sẽ được các cảm biến, camera giám sát và đo, xây lắp sử dụng nhiều robot, qua đó thực hiện xây dựng với độ chính xác cao, có kế hoạch duy tu bảo dưỡng tối ưu và ít sử dụng nhân công.

Tuy nhiên, để đạt được những thành quả đáng mong đợi đó trong Xã hội 5.0, sẽ cần phải vượt qua những rào cản về cơ chế chính sách giữa các bộ ngành (và xa hơn, thâm chí sẽ là giữa các quốc gia) với nhau; vượt qua rào cản về hệ thống pháp lý để tạo ra hành lang pháp lý mới phù hợp hơn với những dịch vụ mới, công nghệ mới; vượt qua rào cản về công nghệ; rào cản về sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội; và cả rào cản về nhận thức, về sự chấp nhận của con người đối với những hình thái sản phẩm và  dịch vụ mới.

Kết luận. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang bùng nổ và với việc xây dựng Xã hội 5.0, người Nhật đã có tầm nhìn vượt lên hiện tại, nhằm xây dựng một xã hội  thích ứng tốt nhất với những thành tựu của cuộc cách mạng này. Xã hội 5.0 chính là xã hội mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, siêu thông minh, nhưng phát triển một cách bền vững vì con người, cho con người. Cách tiếp cận Xã hội 5.0 đảo ngược cách tiếp cận truyền thống. Theo truyền thống, sự đổi mới được thúc đẩy bởi công nghệ, làm cho xã hội phát triển. Xã hội 4.0, số hóa là trung tâm. Với xã hội 5.0, số hóa là phương tiện, con người mới là đạo diễn chính, làm cho con người hạnh phúc và được hưởng nhiều tiện ích mới trong xã hội siêu thông minh. Xã hội 5.0 điều tiết và làm cân bằng sự phát triển của công nghệ, nền kinh tế số hóa và sự phát triển xã hội.Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra lực lượng sản xuất khổng lồ và Xã hội 5.0 chính là quan hệ sản xuất mới, phù hợp với những đổi thay phi thường đó. Đến lượt mình, với những định hướng như trên, chắc chắn Xã hội 5.0 sẽ lại thúc đẩy mạnh mẽ sự ra đời và phát triển của một kỷ nguyên mới, được định dạng bởi không gian ảo và người máy sẽ làm thay cho con người và sống cùng với con người. Phải chăng, đó sẽ chính là khởi đầu cho một cuộc cách mạng mới: các mạng công nghiệp 5.0 đang đến?

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐHQGHN