Các nhà khoa học Việt vào danh sách “100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng” tăng mạnh về số lượng và thứ hạng, được đánh giá trên nhiều chỉ số, trong đó có số trích dẫn nghiên cứu.
Bảng xếp hạng được Nhà xuất bản Elsevier (chủ cơ sở dữ liệu Scopus) công bố, chọn ra nhóm các nhà khoa học thuộc top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới dựa theo bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất (trong tổng số gần 210.000 nhà khoa học được xếp hạng). Danh sách xếp hạng được đưa ra bởi nhóm nhà khoa học của GS John P.A. Ioannidis cùng các cộng sự thuộc Đại học Stanford (Mỹ), xây dựng trên căn cứ khai thác cơ sở dữ liệu Scopus.
Theo bảng xếp hạng, danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng có 64 cá nhân đang công tác tại các trường đại học của Việt Nam, trong đó có 47 người là nhà khoa học Việt. So với năm 2022, danh sách này tăng thêm 12.
Ở top 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới, Việt Nam có 7 người, tăng 5 người so với năm 2022. Gồm PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (trường Đại học Công nghệ TP HCM, xếp hạng 1.119), PGS.TS Trần Xuân Bách (Đại học Y Hà Nội, xếp hạng 3.240), TS Phạm Thái Bình (trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, xếp hạng 4.444), TS Hoàng Nhật Đức (Đại học Duy Tân, xếp hạng 5.551), GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội, xếp hạng 5.657), TS Trần Nguyễn Hải (trường Đại học Duy Tân xếp hạng 6.669), và PGS.TS Lê Hoàng Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội, xếp hạng 6.982).
Danh sách này có PGS.TS Lê Hoàng Sơn và GS.TSKH Nguyễn Đình Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội). Hai người này đều lọt vào top 5 năm liên tiếp 2019, 2020, 2021, 2022 và 2023.
GS Nguyễn Đình Đức là một trong hai nhà khoa học Việt có 5 năm liên tiếp lọt top nhà khoa học hàng đầu thế giới. Ảnh: VNU
Nhiều nhà khoa học có thứ hạng tăng mạnh so với năm trước, như PGS.TS Hoàng Anh Tuấn (trường Đại học Công nghệ TP HCM, xếp hạng 1.119 – năm 2022 là 17.415), PGS.TS Trần Xuân Bách (Đại học Y Hà Nội, xếp hạng 3.240 – năm 2022 là 12.132), TS Trần Nguyễn Hải (trường Đại học Duy Tân xếp hạng 6.669 – năm 2022 là 13.713), TS Phạm Thái Bình (trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải, xếp hạng 4.444 – năm 2022 là 47.240), TS Vương Quân Hoàng (Đại học Phenikaa, xếp hạng 31.057 – năm 2022 là 61.452), TS Võ Nguyễn Đại Việt (trường ĐH Nguyễn Tất Thành, xếp hạng 35.261 – năm 2022 là 93.438), TS Chu Đình Tới (Trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, xếp hạng 44.378- năm 2022 là 66.906).
TS Trần Nguyễn Hải, thành viên Ban biên tập cho 12 tạp chí quốc tế chuẩn ISI, nằm trong top nhà khoa học có thứ hạng tăng mạnh so với năm 2022. Ảnh: Hai Tran
Danh sách cũng có nhiều gương mặt mới như PGS.TS Phạm Văn Việt (trường Đại học Công nghệ TP HCM, xếp hạng 57.893), PGS.TS Bùi Xuân Thành (trường Đại học Bách khoa, ĐHQG TP HCM, xếp hạng 98.112).
Nhiều nhà khoa học nước ngoài đang làm việc tại các trường đại học của Việt Nam như Đại học Duy Tân, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học VinUni, Trường ĐH Kinh Tế TP HCM cũng có trong danh sách.
TS Vương Quân Hoàng cũng nằm trong nhóm nhà khoa học có thứ hạng tăng vượt trội so với danh sách năm 2022. Ảnh: Đại học Phenikaa.
Bảng xếp hạng 100.000 người có bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất được công bố lần đầu tiên trên tạp chí PLoS Biology vào 8/2019. Bảng xếp hạng sử dụng nguồn cơ sở dữ liệu của Scopus (thuộc NXB Elsevier) từ năm 1960 đến tháng 10/2023.
Các tiêu chí đánh giá dựa theo các chỉ số ảnh hưởng trong giới khoa học (tổng số trích dẫn, chỉ số Hirsch h-index; chỉ số Schreiber hm-index được điều chỉnh đồng tác giả, số trích dẫn các bài báo được đăng với tư cách tác giả duy nhất, tác giả chính và tác giả cuối cùng, và một chỉ số tổng hợp). Các nhà khoa học được phân thành 22 lĩnh vực chính và 174 lĩnh vực phụ (ngành/chuyên ngành), trong đó các nhà khoa học cần có tối thiểu 5 bài báo. Các dữ liệu cho thấy tác động của họ trong suốt sự nghiệp và trong năm qua.