Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, kéo theo cuộc sống xã hội ngày càng phát triển. Cùng với đó, tăng trưởng dân số và đô thị hóa cũng đang bùng nổ dẫn đến việc đổi mới để tích hợp công nghệ vào thiết kế dịch vụ thành phố. Chính điều này đã tạo nên bản chất của thành phố thông minh.
Thành phố thông minh là mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống của con người. Thành phố thông minh phụ thuộc nhiều vào cảm biến để nhận biết thông số như nhiệt độ, độ ẩm, chất gây dị ứng, điều kiện giao thông và tình hình lưới điện….Ở thành phố thông minh, các công nghệ được liên kết với nhau chủ yếu thông qua các thiết bị cảm biến; các thành phố kết nối với nhau bởi mạng Wi-Fi ( trong tương lai sẽ là mạng Li-Fi với công nghệ truyền Internet bằng ánh sáng, nó có thể thay thế hoàn toàn Wi-Fi với tốc độ kết nối nhanh hơn và tính bảo mật cao hơn do ánh sáng không thể truyền qua tường [1] ). Vì được kết nối với nhau bởi mạng lưới internet, nên thành phố thông minh sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giao thông vận tải; hệ thống năng lượng; giải quyết các vấn đề môi trường và phản hồi khẩn cấp các vấn đề an ninh xã hội;… đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe một cách thông minh.
Vậy tại sao chăm sóc sức khỏe lại là một cơ sở quan trọng hàng đầu của thành phố thông minh? Chúng ta cần làm gì để có thể chăm sóc sức khỏe một cách thông minh nhất?
Một thành phố phát triển, đòi hỏi con người cần phải có nhiều sự sáng tạo. Nhưng để phục vụ cho việc sáng tạo, đổi mới thì sức khỏe con người phải đặt lên hàng đầu. Một thành phố có những công dân khỏe mạnh thì thành phố đó sẽ được cân bằng trong mọi lĩnh vực. Không còn nghi ngờ gì nữa, ngành y tế đang chứng kiến sự tiến bộ trong vài năm qua. Nhưng với dân số và lối sống đô thị ngày càng tăng, việc chăm sóc sức khỏe công dân một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn càng trở nên quan trọng. Chăm sóc sức khỏe thông minh là việc sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông để cải thiện việc chăm sóc sức khỏe cho con người, biến chăm sóc sức khỏe theo truyền thống thành chăm sóc sức khỏe thông minh.
Hiện nay, có nhiều thiết bị công nghệ giúp con người có thể chăm sóc sức khỏe một cách thông minh nhất. IoT ( Internet of thing hay internet kết nối vạn vật) đã thay đổi rất nhiều về cách chúng ta sống, làm việc và giữ gìn sức khỏe. Công nghệ IoT ngày càng trở nên có ảnh hưởng hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bằng cách giúp các nhà cung cấp dịch vụ y tế dễ dàng theo dõi bệnh nhân giữa các lần thăm khám [2]. Đồng thời giúp đưa ra các phác đồ điều trị trong tương lai một cách hiệu quả và kịp thời. Nhờ vậy bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn.
Trí thông minh nhân tạo (AI hay Artifical Interlligence ) cũng đang ngày càng chứng minh khả năng thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong tương lai không xa. Trí tuệ nhân tạo được sử dụng để đánh giá và đưa ra các kết quả có thể xảy ra để tìm ra các giải pháp ứng phó kịp thời. Đặc biệt, khi các bác sĩ chuyên khoa ở các vị trí khác nhau; với sự giúp đỡ của Robot, các bác sĩ vẫn có thể liên lạc, chuẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân một cách dễ dàng.[3]
Mặc dù vậy, nhưng chúng ta cũng đối mặt với không ít thách thức khi sử dụng các công nghệ thông minh như các mối đe dọa an ninh do các thiết bị thông minh hoạt động và liên kết với nhau thông qua mạng Wi-Fi nên có thể bị các hacker tấn công dữ liệu; vấn đề tích hợp nhiều thiết bị; vấn đề phân tích và đưa ra kết quả từ dữ liệu mở rộng. Không chỉ dừng lại ở đó, trí tuệ nhân tạo cũng có thể trở thành một mối nguy cơ lớn nếu nó được lập trình với những mục đích xấu.
Ở khu vực Nam Thái Bình Dương, Úc đã phải làm việc rất tích cực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của mình. Quốc gia này đang đặt mục tiêu tăng gấp đôi chỉ tiêu cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong những năm tới. Kế hoạch này là tích hợp hệ thống y tế thông qua các kết nối tốt hơn, tích hợp dữ liệu, hồ sơ không cần giấy tờ, hiệu quả được cải thiện và thực hành nghiên cứu tốt hơn. Tại đại học Melbourne, họ đang thu thập các dữ liệu từ các các bệnh viện và phòng khám khác nhau để từ đó biên soạn ra một kho lưu trữ duy nhất. Dữ liệu được thu thập sẽ cho phép R & D tốt hơn và cung cấp giải pháp hiệu quả để điều trị ung thư và động kinh.[4]
Trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0, y tế Việt Nam cũng đã từng bước tiếp cận với xu thế này để đẩy mạnh trong việc chăm sóc sức khỏe. Không dừng lại ở lý thuyết, Việt Nam cũng đang bắt đầu tiếp cận với việc thử nghiệm và sử dụng trí tuệ nhân tạo. Hầu hết các bệnh viện ở Việt Nam đều đã có các phần mềm quản lý bệnh viện bằng số hóa. Không dừng lại ở đó, tại một bệnh viện trung ương ở tỉnh Phú Thọ cũng đang thử nghiệm công nghệ “Watson For Oncology ” để giúp các bác sĩ đưa ra các pháp đồ điều trị ung thư một cách tối ưu nhất [5]. Tuy nhiên ta cũng gặp không ít khó khăn trong lĩnh vực này do Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống thông minh riêng nào trong việc chăm sóc sức khỏe mà hầu hết phải dựa vào sự hợp tác của nước ngoài chủ yếu là Hoa Kỳ.
Như vậy, để có một hệ thống y tế thông minh, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển thiết bị y tế; phát triển nhân lực và khoa học – công nghệ đồng thời tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế để tìm ra các giải pháp thông minh cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Cùng với sự giúp đỡ của IoT và trí tuệ nhân tạo sẽ là tiền đề mở ra một kỷ nguyên mới trong việc giải quyết các vấn đề sức khỏe hiện đại cho các thành phố ở Việt Nam.
Sinh viên: Đỗ Minh Khang K62 XD_GT
Tài liệu tham khảo
[1] http://genk.vn/day-la-li-fi-cong-nghe-truyen-mang-internet-bang-anh-sang-co-the-thay-the-hoan-toan-wi-fi-trong-tuong-lai-20170214150611538.chn
[2] https://techinsight.com.vn/iot-giai-phap-cham-soc-suc-khoe-cho-tuong-lai/
[3] https://www.researchgate.net/publication/322605918_Using_Smart_City_Technology to_Make_Healthcare_Smarter
[4] https://www.smartcity.press/smart-healthcare-for-smart-cities/
[5] https://www.youtube.com/watch?v=RXB6vKiRxKg