Nhà khoa học Việt Nam xếp hạng không thua kém các nhà khoa học nước ngoài

(Dân trí) – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết, các nhà khoa học Việt Nam xếp hạng không thua kém các nhà khoa học nước ngoài, trong đó đánh dấu nhiều gương mặt trẻ.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, trưởng Ban Đào tạo – ĐHQGHN đã công bố trên 300 công trình khoa học, trong đó có 200 bài trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín. Hiện nay, GS Đức là Phó Chủ tịch Hội Cơ học Việt Nam, tham gia hội đồng biên tập của 10 tạp chí quốc tế ISI.

Tháng 10/2021, tạp chí PLoS Biology đã công bố danh sách 100.000 nhà nghiên cứu có trích dẫn khoa học hàng đầu thế giới theo cơ sở dữ liệu Scopus. Tác giả của bảng xếp hạng này là các giáo sư Jeroen Baas, Kevin Boyack và John P.A. Ioannidis thuộc Đại học Stanford (Mỹ).

Trong bảng xếp hạng này có 28 nhà khoa học người Việt đang công tác tại Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2021.

Theo thứ tự trong bảng xếp hạng này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tiếp tục đứng đầu trong các nhà khoa học Việt Nam, xếp hạng 5949 thế giới, và đứng thứ 96 thế giới trong lĩnh vực Engineering.

Nhân dịp đầu xuân năm mới, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với GS.TSKH Nguyễn Đình Đức về câu chuyện khoa học, về cơ chế để nền khoa học Việt Nam phát triển xứng tầm.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức vào top 100.000 nhà khoa học xuất sắc nhất thế giới (Ảnh: NH).

Đã từng đoạt giải thưởng “Nhân tài đất Việt” về sản phẩm có định hướng ứng dụng

Chúc mừng ông khi vào top 100.000 nhà khoa học xuất sắc nhất thế giới và đứng thứ 96 thế giới trong lĩnh vực Engineering. Ban tổ chức họ ghi nhận các công trình nghiên cứu của ông ở hướng nào?

– Sau khi nhận được thông tin tôi hoàn toàn bất ngờ vì thực sự làm khoa học không ai nghĩ đến việc để xếp hạng. Những kết quả đánh giá này của thế giới là sự ghi nhận khách quan những đóng góp và kết quả làm việc miệt mài và bền bỉ của tôi trong suốt gần 40 năm qua và nhóm nghiên cứu. Đây là nguồn cổ vũ, động viên và khích lệ rất lớn cho tôi, cho nhóm nghiên cứu và các thế hệ học trò vững tin vào con đường khoa học và những hướng nghiên cứu mà mình đã chọn, tự tin sánh vai với các đồng nghiệp quốc tế, và cũng là niềm vui và tự hào của ĐHQGHN nói riêng và lĩnh vực Engineering của Việt Nam nói chung.

Các công trình khoa học của tôi định hướng nghiên cứu về các vật liệu và kết cấu tiên tiến, thông minh, các vật liệu chức năng và vật liệu nano có cơ lý tính biến đổi, vật liệu auxetic,… Đây là những hướng nghiên cứu hiện đại, có định hướng ứng dụng cao và được cộng đồng khoa học trên thế giới rất quan tâm.

Bảng xếp hạng này không dựa thuần túy vào số lượng được trích dẫn. Vì nếu dựa vào chỉ số này thì của tôi thấp hơn so với nhiều đồng nghiệp khác.

Các tiêu chí dùng để xếp hạng các nhà khoa học gồm tổ hợp (composite score) của các tham số như: chỉ số ảnh hưởng của nhà khoa học trong lĩnh vực và cộng đồng khoa học, tổng số trích dẫn, chỉ số H (H-index), chỉ số đồng tác giả (HM-index), số trích dẫn cho các bài báo được đăng với tư cách là tác giả duy nhất, số trích dẫn cho các bài báo là tác giả chính và tác giả cuối cùng,…

Hiện nay, tôi cũng tham gia hội đồng biên tập của 10 tạp chí quốc tế ISI có uy tín và được mời báo cáo tại phiên toàn thể của nhiều hội thảo quốc gia, quốc tế.

Các công trình nghiên cứu của ông đã giải quyết như thế nào trong thực tế?

– Các nghiên cứu về vật liệu composite siêu bền nhiệt carbon-cacrbon của tôi có định hướng ứng dụng trong việc tính toán thiết kế và đảm bảo an toàn cho thân vỏ động cơ tên lửa. Vật liệu nano composite nhiều pha với các hạt nano được ứng dụng để chống thấm trong đóng tàu bằng composite, chế tạo các vật liệu chống chịu các điều kiện khắc nghiệt cũng như vật liệu làm tăng khả năng chuyển đổi năng lượng từ nhiệt sang điện trong các tấm pin mặt trời.

Vật liệu auxetic để giảm chấn, bảo vệ các kết cấu công trình chịu các tải trọng nổ, mô phỏng các vật liệu mới pentagraphin có khả năng lưu trữ thông tin lớn như não bộ của con người,..

Tôi đã có một bằng phát minh, một bằng sáng chế. Các nghiên cứu của tôi và tập thể các nhà khoa học về hệ thống dẫn đường quán tính phục vụ dẫn đường các phương tiện chuyển động có điều khiển đã được giải thưởng “Nhân tài đất Việt” do Báo điện tử Dân trí tổ chức về sản phẩm có định hướng ứng dụng.

GS Nguyễn Đình Đức đam mê truyền đạt kiến thức tới các sinh viên (Ảnh: NH).

Công bố quốc tế của Việt Nam đã đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN

Thưa giáo sư, đến thời điểm này, đội ngũ khoa học nhà Việt Nam được thế giới ghi nhận so với thế giới như thế nào? về số lượng và chất lượng?

– Theo bảng xếp hạng này có 28 nhà khoa học người Việt đang công tác tại Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trong năm 2021.

So với mọi năm thì năm nay số lượng nhà khoa học người Việt Nam (bao gồm cả trong nước, việt kiều) có tên trong bảng xếp hạng này tăng lên đáng kể. Điều này cho thấy kết quả đáng mừng về sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học của Việt nam.

Nếu cách đây 15-20 năm, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam đứng gần như cuối cùng trong khu vực Đông Nam Á thì theo thống kê của Bộ Khoa học Công nghệ, tính đến năm 2020, công bố quốc tế của Việt Nam đã đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Singapore và Malaysia), đứng thứ 49 trên thế giới.

Trong danh sách các nhà khoa học Việt Nam lọt top thế giới đã đánh dấu nhiều gương mặt các nhà khoa học trẻ. Đây có phải là bước tiến mới cho nhà khoa học trẻ Việt Nam?

– Số lượng nhà khoa học “made in Vietnam” trong top 10.000 mới có 3 và mới chỉ có 28 người trong top 100.000 – một con số còn rất khiêm tốn nhưng so với năm trước thì đã là một bước tiến vượt bậc.

Nếu nhìn danh sách ngoài top 100.000, có thể thấy năm nay đã có thêm nhiều gương mặt của các nhà khoa học trẻ Việt Nam đang làm việc tại các trường đại học trong nước đã lọt top 2% (xếp hạng từ 100.001-200.000).

Điều này cho thấy kết quả đáng mừng về sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học của Việt nam. Khi chúng ta quan tâm và triển khai nhiều chính sách cho KHCN, trong đó có đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh, tiếp cận các hướng nghiên cứu hiện đại, hỗ trợ công bố quốc tế và các nhà khoa học trẻ, đặc biệt đưa ra các yêu cầu về công bố quốc tế với các luận án tiến sĩ cũng như nâng cao tiêu chuẩn với các chức danh GS, PGS đã có hiệu quả rất tích cực.

Cần có một cơ chế “khoán 10” trong giáo dục đại học

Như đã trao đổi với ông nhiều lần trong các cuộc phỏng vấn trước, ông cho rằng, chế độ đãi ngộ nhà khoa học Việt Nam hiện nay chưa xứng tầm, vì sao vậy? đâu là nút thắt? và giải quyết vấn đề này như thế nào?

– Nếu so mức đầu tư cho một nhóm nghiên cứu có năng suất công bố quốc tế và hiệu quả hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học tương đương nhau, thì các nhóm nghiên cứu của Việt Nam có mức đầu tư quá thấp so với thế giới.

Các nhà khoa học Việt Nam xếp hạng không thua kém các nhà khoa học nước ngoài, nhưng lương thì thấp hơn rất nhiều. Tỷ lệ đầu tư cho KHCN của Việt Nam mới đạt khoảng 0,6% GDP, cũng rất thấp so với thế giới. Đầu tư cho KHCN chưa xứng tầm với vai trò là động lực cho sự phát triển của đất nước.

Để có nguồn lực đầu tư cho KHCN và thu hút nhân tài, trọng dụng và đãi ngộ các nhà khoa học xuất sắc thì trường đại học phải có nguồn lực.

Muốn vậy, phải có một cơ chế “khoán 10” trong giáo dục đại học. Các trường đại học phải đẩy nhanh quá trình tự chủ, tích cực hơn nữa hợp tác với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần đi đôi với kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo để có cơ sở thu học phí theo định mức kinh tế kỹ thuật tương xứng cho từng ngành.

Như vậy, các trường đại học cần phải làm gì để thúc đẩy sáng tạo và thúc đẩy giới trẻ tham gia nghiên cứu khoa học?

– Trước hết, để thúc đẩy giới trẻ tham gia nghiên cứu khoa học thì người thầy phải là tấm gương say mê khoa học. Người thầy phải dìu dắt, truyền cảm hứng và thắp lên ngọn lửa đam mê khoa học, đam mê sáng tạo cho các em sinh viên.

Các trường đại học cần quan tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong nhà trường, đào tạo phải gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu và đặc biệt cần quan tâm xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học để tập hợp và thu hút các bạn trẻ tham gia.

Làm thế nào để các công trình nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học Việt Nam không để “ngăn kéo”, thưa ông? Chìa khóa nào để đưa các công trình nghiên cứu khoa học vào thực tế?

– Để kết quả nghiên cứu không vào “ngăn kéo” thì phải có sự đồng hành của doanh nghiệp theo mô hình 4 nhà: Nhà nước – Nhà trường – Nhà khoa học và Doanh nghiệp.

Đồng thời, phải đổi mới cách thức giao và đặt hàng các đề tài khoa học. Các nhiệm vụ KHCN phải đặt mục tiêu hướng tới thực tiễn, phục vụ thực tiễn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hỗ trợ các nhà khoa học đăng ký phát minh sáng chế và bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Mô hình của một trường đại học tiên tiến trong thời đại CMCN 4.0 sẽ có 3 cấu phần chính là: Nghiên cứu, Chuyển đổi số và Đổi mới sáng tạo (Innovation). Việc đồng hành cùng doanh nghiệp và thúc đẩy, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sẽ là động lực và chìa khóa để đưa nhanh các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế.

Xin trân trọng cám ơn GS!

GS Nguyễn Đình Đức: Nhà khoa học cống hiến không phải vì mục đích để xếp hạng

GDVN- Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Đại học Quốc gia Hà Nội lọt top 100 nhà khoa học thế giới trong lĩnh vực Engineering.

LTS: Tháng 10/2021, tạp chí PLoS Biology đã công bố danh sách 100.000 nhà nghiên cứu có trích dẫn khoa học hàng đầu thế giới theo cơ sở dữ liệu Scopus. Tác giả của bảng xếp hạng này là các Giáo sư Jeroen Baas, Kevin Boyack và John P.A. Ioannidis thuộc Đại học Stanford (Mỹ).

Các tiêu chí dùng để xếp hạng các nhà khoa học gồm có: chỉ số ảnh hưởng của nhà khoa học trong lĩnh vực và cộng đồng khoa học, tổng số trích dẫn, chỉ số H (H-index), chỉ số đồng tác giả (HM-index), số trích dẫn cho các bài báo được đăng với tư cách là tác giả duy nhất; số trích dẫn cho các bài báo là tác giả chính và tác giả cuối cùng.

Theo bảng xếp hạng này có 28 nhà khoa học người Việt đang công tác tại Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng top 100.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới trong năm 2021. Đặc biệt, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Đại học Quốc gia Hà Nội lọt top 100 nhà khoa học thế giới trong lĩnh vực Engineering.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức xung quanh sự kiện trên.

Phóng viên: Xin chúc mừng Giáo sư được vinh danh trong top 100 nhà khoa học thế giới trong lĩnh vực Engineering. Giáo sư có thể chia sẻ về quy trình đánh giá xếp hạng bình chọn danh sách các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Đây là nghiên cứu độc lập của nhóm tác giả về trắc lượng khoa học có uy tín của Đại học Stanford của Hoa Kỳ. Các tiêu chí đánh giá ở bảng xếp hạng này được xem xét khá toàn diện dựa trên sự xem xét và tổ hợp (composite score) của nhiều thông số, không chỉ dựa vào tổng số trích dẫn khoa học mà một nhà nghiên cứu có được, từ đó đưa ra danh sách xếp hạng ảnh hưởng của nhà khoa học trong cộng đồng khoa học quốc tế.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Đại học Quốc gia Hà Nội lọt top 100 nhà khoa học thế giới trong lĩnh vực Engineering (ảnh: NTCC)

Tôi cho rằng, với một nhà nghiên cứu, nếu các kết quả nghiên cứu của họ không được tham khảo, trích dẫn thì không thể định lượng được mức độ ảnh hưởng trong cộng đồng khoa học.So với mọi năm thì năm nay số lượng nhà khoa học uy tín của Việt Nam (bao gồm cả trong nước, Việt kiều) có tên trong bảng xếp hạng này tăng lên đáng kể. Đây là sự ghi nhận bước trưởng thành và từng bước lớn mạnh của khoa học công nghệ Việt Nam.

Với cá nhân tôi, sự ghi nhận này là thành quả của sau gần 40 năm làm việc, tích lũy. Các nhà khoa học cống hiến không phải vì mục đích để xếp vào hạng, nhưng dẫu sao, bảng xếp hạng này cũng là một sự ghi nhận và đánh giá khách quan, công bằng của cộng đồng quốc tế nên là sự động viên rất có ý nghĩa. Quan trọng hơn bảng xếp hạng này sẽ là sự cổ vũ, động viên rất lớn đối với các thế hệ học trò, với các trường phái khoa học mà bản thân các nhà khoa học đã tạo lập để các bạn trẻ đi theo, tự tin tiếp tục dấn thân vào con đường khoa học, hội nhập với quốc tế và tiếp cận đỉnh cao của khoa học.

Có thể thấy rất nhiều nhà khoa học ưu tú và lỗi lạc của thế giới có tên trong bảng xếp hạng này. Việc nhiều nhà khoa học “đình đám”, có uy tín trong nước và thế giới không có mặt trong top 100.000 theo năm (single year, kết quả trích dẫn khoa học của một năm gần nhất), không phải do họ không đủ uy tín, không xuất sắc mà có thể do năng suất công bố trong một vài năm gần đây thấp hơn so với các nhà khoa học khác hoặc số trích dẫn không được nổi bật. Và đây là chuyện hết sức bình thường.

Mỗi bảng xếp hạng có những tiêu chí riêng, cũng giống như các bảng xếp hạng đại học THE, QS hay ARWU,… đưa ra những tiêu chí đánh giá không giống nhau tuyệt đối, song mỗi bảng đều có ý nghĩa và giá trị, giúp cho các trường đại học biết mình đang đứng ở đâu trên trường quốc tế. Tất nhiên, bảng xếp hạng nào cũng sẽ có những tiêu chí đánh giá riêng và có thể còn những khiếm khuyết.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là bảng xếp hạng này ngoài các nhà khoa học công tác cơ sở giáo dục đại học công lập như Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì còn có rất nhiều các nhà khoa học đến từ các cơ sở giáo dục đại học công lập tự chủ, dân lập như Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Phenikaa…

Điều này cho thấy các trường dân lập, trường tự chủ ý thức được việc xếp hạng rất quan trọng, đem lại uy tín, thương hiệu cho nhà trường nên họ đã đầu tư, thu hút nhân tài, trả lương cao, xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh, thậm chí mời nhà khoa học nước ngoài đến để xây dựng nhóm nghiên cứu quốc tế. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam, là một trong những nhân tố thôi thúc các trường đại học công lập mau chóng tự chủ và đổi mới mạnh mẽ hơn nữa để có nguồn lực tốt nhằm tiếp tục duy trì giữ vững thứ hạng và bứt phá vươn lên.

Giáo sư có bất ngờ khi mình lọt top 100 nhà khoa học thế giới trong lĩnh vực Engineering?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Tôi thật sự bất ngờ và cũng rất tự hào, phấn khởi, vinh dự khi là người Việt Nam, lại đang làm việc cơ hữu bền bỉ trong nước, trong điều kiện hoàn cảnh nghiên cứu còn có những khó khăn, hạn chế lại được thế giới đánh giá và xếp hạng cao so với các đồng nghiệp quốc tế. Sự đánh giá này làm cho tôi như thấy được động viên, khích lệ. Đây là thành quả của rất nhiều năm kiên trì, làm việc miệt mài, nỗ lực vượt bậc của tôi và nhóm nghiên cứu và đã được đền đáp bằng sự rút ngắn khoảng cách với các nhà khoa học trên thế giới.

Đây cũng là sự động viên rất lớn đối với các thế hệ học trò, thế hệ tiếp nối để các em vững tin dấn thân vào con đường khoa học bởi hiện nay con đường làm khoa học rất vất vả, trong khi thu nhập lại không cao. Đây cũng là niềm vui và tự hào của Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng và lĩnh vực Engineering của Việt Nam nói chung.

Giáo sư có chia sẻ gì với các nhà khoa học đang đặt mục tiêu lọt vào danh sách các nhà khoa học hàng đầu thế giới?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy cần cù, kiên trì và nỗ lực không ngừng với năng suất nghiên cứu ổn định và hội nhập được với trình độ và chuẩn mực quốc tế thì một ngày nào đó nhất định sẽ được ghi nhận.

Tôi cũng nhận thức được rằng, ngày hôm nay tôi có tên trong bảng xếp hạng nhưng một vài năm nữa khi ngày càng lớn tuổi, hoặc nhóm nghiên cứu có thể không duy trì được mạnh nữa thì bị loại ra khỏi danh sách này là chuyện bình thường. Đó là quy luật của sự vận động và phát triển biện chứng. Có như vậy thì thế hệ trẻ mới có cơ hội vươn lên, chạm vào vị trí tốt trong bảng xếp hạng.

Điều tôi muốn nhắn nhủ với các nhà khoa học trẻ là hạnh phúc và thành công nhất định sẽ đến với những ai kiên trì và hăng say lao động.

Ảnh minh họa: T.L

Giáo sư nhìn nhận thế nào về phong độ của các nhà khoa học Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học ở tầm cao? Ông kỳ vọng gì ở thế hệ những nhà khoa học trẻ nước ta hiện nay?

Giáo sư Nguyễn Đình Đức: Năm nay xét về số lượng nhà khoa học có địa chỉ tại Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng thì có một số đáng kể là các nhà khoa học nước ngoài có hợp tác và ghi địa chỉ công tác tại Việt Nam, nhà khoa học Việt kiều.

Còn số lượng nhà khoa học “made in Vietnam” thì mới chỉ 28/100.000 – một con số còn rất khiêm tốn, nhưng so với năm trước thì đã là một bước tiến vượt bậc. Nếu nhìn danh sách ngoài top 100.000, có thể thấy có thêm nhiều những gương mặt của các nhà khoa học trẻ Việt Nam đang làm việc tại các trường đại học trong nước đã lọt xếp hạng từ 100.001-200.000.

Điều này cho thấy kết quả đáng mừng về sự lớn mạnh về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học của Việt Nam. Khi chúng ta quan tâm và triển khai nhiều chính sách cho khoa học – công nghệ, trong đó có đầu tư cho nhóm nghiên cứu mạnh, khuyến khích công bố quốc tế tiếp cận chuẩn khu vực và quốc tế, hỗ trợ các nhà khoa học trẻ, đặc biệt đưa ra các chuẩn mực đánh giá luận văn tiến sĩ cũng như nâng cao tiêu chuẩn với các chức danh giáo sư, phó giáo sư đã có hiệu quả tích cực nhất định.

Nếu cách đây 15-20 năm, số lượng công bố quốc tế của Việt Nam đứng gần như cuối cùng trong khu vực Đông Nam Á thì theo thống kê của Bộ Khoa học Công nghệ, tính đến năm 2020 lượng công bố quốc tế của Việt Nam đã đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Singapore và Malaysia), đứng thứ 49 trên thế giới.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức!

Thùy Linh
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà N

Học bổng hỗ trợ cho nghiên cứu sinh và các thực tập sau tiến sỹ – bước đột phá tiên phong của ĐHQGHN

Ngày 19/11/2021, Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân đã ký Quyết định số 3688/QĐ-ĐHQGHN ban hành Quy định về việc hỗ trợ học bổng cho các nghiên cứu sinh và các thực tập sinh sau tiến sỹ ở ĐHQGHN, Cổng thông tin điện tử ĐHQGHN đã trao đổi với GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo về quyết định quan trọng này:

ĐHQGHN hướng tới mục tiêu, tầm nhìn đến 2045 trở thành đại học nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, đa ngành, đa lĩnh vực, trong nhóm các đại học hàng đầu châu Á và thế giới với các giá trị cốt lõi: Đổi mới sang tạo – Trách nhiệm quốc gia – Phát triển bền vững.

Thưa GS. Nguyễn Đình Đức, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa và tác động của Quyết định 3688 mà Giám đốc ĐHQGHN vừa ký ban hành?

Quyết định số 3688/QĐ-ĐHQGHN ngày 19/11/2021 mà Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân vừa ký ban hành là một quyết định lịch sử. Đây là điều mà chúng tôi đã ấp ủ và trăn trở từ lâu, nhưng đến bây giờ mới trở thành hiện thực. Quyết định này sẽ có ý nghĩa và tác động rất lớn, sẽ tạo nên những đột phá trong nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của ĐHQGHN.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức – Trưởng Ban Đào tạo ĐHQGHN cùng sinh viên Trường ĐH Công nghệ

Quyết định này hỗ trợ học bổng lên đến 100 triệu/năm cho các nghiên cứu sinh và 120 triệu/năm cho các tiến sỹ trẻ có năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế xuất sắc. Với học bổng này, cộng thêm các nguồn hỗ trợ khác từ hoạt động tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học, các nghiên cứu sinh và thực tập sinh có thể yên tâm, toàn tâm toàn ý cho nghiên cứu.

Như các bạn đã biết, nghiên cứu sinh và các tiến sỹ trẻ chính là nguồn nhân lực KHCN đông đảo, trẻ trung và nhiệt huyết, đóng vai trò chủ lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN dưới sự lãnh đạo của các giáo sư, các nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn trong nhà trường.

Đây là quyết định mạnh dạn và nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Giám đốc ĐHQGHN. Lần đầu tiên ĐHQGHN cấp học bổng lớn như vậy cho nghiên cứu sinh và cũng là lần đầu tiên trong cả nước có một đại học công lập tiên phong thiết lập và cấp học bổng cho hệ thực tập sinh sau tiến sỹ.

Thông qua quyết định này, sẽ thu hút được nhiều nghiên cứu sinh giỏi, tiến sỹ giỏi đến ĐHQGHN học tập, nghiên cứu, và vì thế, vị thế, tiềm lực khoa học công nghệ sẽ được tăng cường, ảnh hưởng và xếp hạng của ĐHQGHN trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và quốc tế chắc chắn sẽ được giữ vững và tăng lên mạnh mẽ trong vài năm tới.

Vậy yêu cầu và trách nhiệm của các ứng viên được nhận học bổng này như thế nào thưa GS?

Với học bổng cho nghiên cứu sinh: Ứng viên phải là nghiên cứu sinh của ĐHQGHN, và không quá 40 tuổi, có điểm trung bình trung học lực ở bậc đại học hoặc thạc sỹ từ 2.8 trở lên có thể nộp hồ sơ xin học bổng.

Với thực tập sinh, áp dụng cho tất cả các tiến sỹ của các cơ sở đào tạo trong cũng như ngoài ĐHQGHN (kể cả các ứng viên đang ở nước ngoài; người Việt Nam cũng như người nước ngoài) không quá 45 tuổi, muốn về ĐHQGHN thực tập sau tiến sỹ, thời gian từ 1-3 năm.

Các ứng viên nghiên cứu sinh, thực tập sinh khi nộp hồ sơ để ĐHQGHN xem xét cấp học bổng cần có đề cương nghiên cứu, kèm theo các minh chứng về thành tích, năng lực nghiên cứu; được một cán bộ khoa học của ĐHQGHN nhận về làmnghiên cứu, thực tập trong nhóm nghiên cứu và bảo trợ cho ứng viên, và được sự đồng ý của cơ sở đào tạo.  Thủ tục xét, cấp học bổng nhanh gọn.

Với các nghiên cứu sinh, để duy trì học bổng liên tục trong 3 năm, ĐHQGHN yêu cầu trong thời gian đào tạo, nghiên cứu sinh phải đạt được chuẩn đầu ra là tác giả chính (tác giả tên đầu/tác giả liên hệ) của tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án được đăng trên tạp chí khoa học chuyên ngành thuộc danh mục các tạp chí ISI/Scopus, trong đó ít nhất 01 bài đăng trên tạp chí được xếp hạng Q1 (đối với lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ) hoặc ít nhất 01 bài đăng trên tạp chí được xếp hạng Q2 trở lên (đối với các lĩnh vực khác).

Với các thực tập sinh, yêu cầu mỗi năm tối thiểu công bố 01 bài báo về kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học chuyên ngành hạng Q2 trở lên, thuộc danh mục các tạp chí ISI/Scopus.

Bên cạnh đó, nghiên cứu sinh, thực tập sinh được xem như lực lượng quan trọng tham gia các hoạt động NCKH trong ĐHQGHN, được bố trí tham gia giảng dạy và được hưởng kinh phí từ hoạt động giảng dạy theo quy định của cơ sở đào tạo.

Thông qua hoạt động này, một mặt các cơ sở đào tạo có thêm nguồn giảng viên trẻ, ưu tú, mặt khác các nghiên cứu sinh, thực tập sinh cũng được tham gia các nhóm nghiên cứu mạnh ở ĐHQGHN, được nâng cao trình độ, kỹ năng giảng dạy và nghiên cứu.

GS đánh giá thế nào về tính khả thi trong việc thu hút nghiên cứu sinh và thực tập sinh của Quy định này?

Quy định này không những khả thi mà còn đáp ứng mong mỏi bấy lâu nay của các thầy trong ĐHQGHN, mong mỏi có kinh phí để tuyển được những trò giỏi. Và các nghiên cứu sinh, tiến sỹ trẻ ở các nơi có điều kiện về ĐHQGHN tham gia nghiên cứu trong các nhóm nghiên cứu mạnh, nâng cao trình độ chuyên môn.

Theo thống kê của Ban Đào tạo, hiện nay quy mô nghiên cứu sinh của toàn ĐHQGHN là 1084. Trong số đó 350 nghiên cứu sinh từ các ngành kỹ thuật – công nghệ và 90% trong số này đều có công bố quốc tế, đủ điều kiện để được nhận và duy trì học bổng.

Hơn nữa, ĐHQGHN có đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao đông và mạnh nhất cả nước với 66 giáo sư, 398 phó giáo sư và 1100 tiến sĩ.  ĐHQGHN có gần 100 nhóm nghiên cứu với 29 nhóm nghiên mạnh cấp ĐHQGHN; về cơ sở vật chất đã có 61 phòng thí nghiệm, trong đó 17 phòng thí nghiệm trọng điểm (bao gồm 1 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia). 5 lĩnh vực của ĐHQGHN là Khoa học máy tính, Cơ kỹ thuật, Toán học, Vật lý, Kinh doanh và nghiên cứu quản lý đã được xếp hạng 501-600 trong bảng xếp hạng QS của thế giới. Mới đây, tháng 10/2021, 2 lĩnh vực là Khoa học và Khoa học máy tính (Computer Science) và Kỹ thuật (Engineering) của ĐHQGHN đã đứng trong bảng xếp hạng THE WUR ở vị trí 601-800, một bảng xếp hạng có uy tín rất cao về học thuật của thế giới. Đó là những lý do tôi tin tưởng Quy định này là một quyết định rất sáng suốt, hiệu quả và kịp thời của Giám đốc ĐHQGHN, và chắc chắn sẽ thu hút được rất nhiều nghiên cứu sinh và tiến sỹ trẻ tụ hội về ĐHQGHN trong thời gian tới.

Với tư cách là GS đầu ngành của ĐHQGHN trong lĩnh vực vật liệu và kết cấu tiên tiến, ngoài chính sách học bổng thu hút nghiên cứu sinh và tiến sỹ trẻ xuất sắc, GS có nguyện vọng mong mỏi gì nữa để nâng cao ảnh hưởng, uy tín và xếp hạng của ĐHQGHN?

Tôi một lần nữa nhấn mạnh Quyết định số 3688/QĐ-ĐHQGHN ngày 19/11/2021 mà Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân vừa ký ban hành là một quyết định tuyệt vời, đáp ứng mong đợi đã từ lâu của chúng tôi. Riêng nhóm nghiên cứu của tôi, tính sơ có thể thu hút hàng chục nghiên cứu sinh và thực tập sinh xuất sắc trong và ngoài nước đến làm việc. Quyết định này sẽ làm nên những đột phá trong việc nâng cao uy tín và thương hiệu, xếp hạng của ĐHQGHN.

Nếu hỏi có mong ước gì nữa, thì tôi xin đề xuất bên cạnh chính sách này, nên đầu tư trực tiếp và xứng tầm hơn nữa cho các nhóm nghiên cứu mạnh – vì đó chính là tế bào trong hoạt động đào tạo – nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của một cơ sở đại học. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu mạnh không chỉ thu hút nghiên cứu sinh và các bạn tiến sĩ trẻ, mà còn có điều kiện thu hút các giáo sư giỏi đầu ngành từ nước ngoài về ĐHQGHN làm việc, cùng tham gia đào tạo và nghiên cứu, công bố các kết quả chung, cũng như để các nhà khoa học Việt Nam trong nhóm nghiên cứu có điều kiện đi trao đổi, thực tập ở các phòng thí nghiệm, các cơ sở đào tạo hàng đầu của nước ngoài, như vậy ĐHQGHN sẽ đào tạo được những cán bộ khoa học xuất sắc, có nhiều công bố xuất sắc, tiếp cận được những hướng nghiên cứu mới, hiện đại nhất của thế giới. Đó cũng là bài học mà rất nhiều nước xung quanh chúng ta đã áp dụng rất thành công.

Xin cảm ơn Giáo sư!

“Tôi cảm thấy tự hào khi được làm nghề giáo”

GDVN- “Càng có ý nghĩa hơn khi danh hiệu Nhà giáo nhân dân đến với tôi vào đúng dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11″, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Cành chia sẻ.

Có thể nói, danh hiệu Nhà giáo nhân dân là danh hiệu cao quý của cả quá trình phấn đấu cho sự nghiệp “trồng người” của các thầy, cô giáo. Qua đó cho thấy những nỗ lực trong công tác nghiên cứu khoa học và giảng dạy của cá nhân liên tục cho cả quá trình được ghi nhận.

Danh hiệu Nhà giáo nhân dân không đơn thuần ghi nhận kết quả hoạt động, làm việc của cá nhân mà còn ghi nhận sự đóng góp đó được lan tỏa đến các thế hệ học trò, những thành công của các thế hệ học trò nối tiếp nhau.

Vừa được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 2021, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Thị Cành – nguyên Giảng viên cao cấp, Khoa Tài chính-Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; cảm thấy tự hào được làm nghề giáo, được sống và cống hiến, được truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm cho các thế hệ kế tiếp và đã được ghi nhận.

“Càng có ý nghĩa hơn khi danh hiệu Nhà giáo nhân dân đến với tôi vào đúng dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Những ngày này lại được các thế hệ học trò nhớ đến chúc mừng ngày 20/11, chúc mừng cô nhận danh hiệu cao quý.

Năm nay do dịch Covid-19, hạn chế gặp gỡ nên những lời chúc mừng của các thế hệ học trò đến với tôi chủ yếu được chuyển qua facebook, qua email, nhưng tôi vẫn thấy vui, thấy tự hào mình là nhà giáo!”, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Cành chia sẻ.

Nói về quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Cành cho rằng, Đại hội XIII của Đảng xác định tiếp tục: “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”.

Có thể nói, giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho vốn con người, vì vậy tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo là nhiệm vụ của đất nước, và cũng là nhiệm vụ của mỗi thầy cô giáo trên giác độ phát huy vai trò, vị trí của chính mình.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo đã và đang chuyển qua tự chủ (tự chủ về học thuật, tự chủ về tài chính, tự chủ về tổ chức và tự chịu trách nhiệm giải trình trước cộng đồng, người học).

Trong bối cảnh đó, tự chủ sẽ có nhiều cơ hội cho các thầy cô giáo, đặc biệt là các đồng nghiệp trẻ có cơ hội phấn đấu nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp để có vị trí và thu nhập cao hơn.

“Tôi tin rằng, các đồng nghiệp trẻ, những người đi sau dễ dàng hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến để được trang bị các kiến thức và kỹ năng tốt hơn.

Đồng thời họ cũng sẽ nối tiếp các thế hệ đi trước tiếp tục thắp lên ngọn lửa đam mê yêu ngành, yêu nghề, sống trung thực có đạo đức nghề nghiệp, luôn phấn đấu tốt nhất để có kiến thức, có kỹ năng góp phần đổi mới sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Khi nền giáo dục được đổi mới toàn diện, cùng với chính sách đổi mới của nhà nước, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục, đào tạo, các thầy cô giáo phát huy được năng lực của tổ chức và cá nhân, tạo điều kiện cho đội ngũ thầy cô sống được bằng nghề, đồng thời cùng phấn đấu cho sự nghiệp chung vì sự phát triển của đơn vị nơi làm việc nói riêng và vì sự phát triển của ngành giáo dục nước nhà nói chung”, giáo sư Nguyễn Thị Cành gửi gắm.

Thành công của giáo dục đại học đến từ tâm- tầm và nhiệt huyết của người thầy

Là người thầy đã gần 40 năm gắn bó với giáo dục đại học, Giáo sư Nguyễn Đình Đức – Trưởng ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội đã đào tạo nên nhiều học trò giỏi giang và thành tài. Quan trọng nhất là từ nhóm nghiên cứu, Giáo sư Đức đã kiên trì, bền bỉ và thành lập nên nhiều ngành mới với các hướng nghiên cứu tiên tiến, hiện đại.

Nhân dịp Ngày nhà giáo Việt Nam, chia sẻ về những thành công của người thầy trên giảng đường đại học, Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho biết, với ông, không có trò nào kém. Học trò nào cũng ẩn chứa những tiềm năng và chính niềm tin yêu, sự tận tâm và động viên khích lệ của người thầy là động lực khơi dậy và đánh thức tiềm năng sáng tạo của các học trò.

Để trở thành nhà giáo, nhà khoa học giỏi, người thầy còn phải có lý tưởng và có tầm nhìn. Giáo sư Đức luôn tâm niệm các nhà khoa học Việt Nam phải vươn lên, tự tin sánh vai với các đồng nghiệp quốc tế. Vì vậy, cũng theo triết lý của thầy Đức, giáo dục đại học muốn thành công, phải luôn bắt nhịp với những hướng nghiên cứu hiện đại của thế giới. Hoạt động đào tạo và nghiên cứu trong các trường đại học phải hội nhập theo các chuẩn mực và trình độ của quốc tế.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức cho rằng, các nghiên cứu khoa học cũng không nên chỉ dừng lại ở các công bố quốc tế, mà quan trọng nhất là phải đặc biệt chú trọng gắn đào tạo và nghiên cứu với thực tiễn, phục vụ thiết thực sự phát triển kinh tế – xã hội của nước nhà.

Và theo Trưởng ban Đào tạo – Đại học Quốc gia Hà Nội, yếu tố rất quan trọng làm nên thành công của sự nghiệp giáo dục là người thầy chân chính thì không màng danh lợi. Và người thầy còn có vai trò rất lớn ở chỗ chính là tấm gương cho các thế hệ học trò noi theo.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức là chuyên gia đầu ngành của Việt Nam trong lĩnh vực Vật liệu – Kết cấu Tiên tiến và Composite. Giáo sư Đức đã công bố hơn 300 bài báo, báo cáo khoa học, trong đó có gần 200 bài trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín, tác giả của 2 bằng phát minh sáng chế. Ông cũng vinh dự đại diện cho các nhà khoa học Việt Nam được mời tham gia hội đồng biên tập quốc tế của 10 tạp chí ISI có uy tín của thế giới.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức đã từng là giáo sư nghiên cứu và thỉnh giảng của các trường đại học danh tiếng của thế giới như: Moscow State University; Mechanical Engineering Research Institute of Russian Academy of sciences (LB Nga); Japan Advanced Institute of Sciences and Technology (JAIST – Nhật Bản); University of Birmingham (Vương quốc Anh), Sejong University (Hàn Quốc).

Liên tục 3 năm liền, năm 2019, 2020, 2021 GS Nguyễn Đình Đức được Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ xếp hạng trong top 100.000 nhà khoa học có chỉ số ảnh hưởng (impact) thế giới và đứng đầu trong danh sách các nhà khoa học Việt Nam trong danh sách này năm 2020, 2021; đứng thứ 96 thế giới trong lĩnh vực Engineering. Ông cũng là một trong số ít những nhà khoa học Việt Nam đã được Tạp chí này vinh danh trong danh sách 100.000 nhà khoa học được xếp hạng có trích dẫn khoa học ảnh hưởng thế giới theo thành tựu trọn đời.

Sinh thời, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, xin gửi đến Nhà giáo nhân dân Võ Thanh Thu, Giáo sư Nguyễn Đình Đức và các thầy cô giáo – những người thầy đã và đang làm việc, cống hiến quên mình vì tương lai đất nước sự tri ân, lòng biết ơn chân thành và sâu sắc nhất.

Kính chúc các thầy cô giáo luôn mạnh khỏe, tràn đầy niềm vui, hạnh phúc, luôn đong đầy nhiệt huyết để truyền lửa cho thế hệ trẻ tiếp bước, và tiếp tục đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp trồng người.

Thùy Linh

SEMINAR QUỐC TẾ VỀ CIVIL ENGINEERING 04-12-2021

Seminar về những vấn đề hiện đại trong Civil Engineering do Chương trình Kỹ thuật hạ tầng – ĐH Việt Nhật đăng cai, phối hợp với Bộ môn Công nghệ Kỹ thuật Xây dưng-Giao thông của Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN và Hiệp hội Xây dựng Nhật bản tổ chức.
Các báo cáo viên đến từ Úc, Việt Nam và Nhật Bản.

Time: 14:00-17:00 (GMT +7), December 04, 2021 (Saturday)

Venue: Room 415, Vietnam Japan University (VJU), Luu Huu Phuoc, Nam Tu Liem, Hanoi

Zoom link: https://zoom.us/j/95874597372; ID: 958 7459 7372

Contact person: Dr. Nguyen Tien Dung, MIE Program, VJU – Email: nt.dung @vju.ac.vn, Mobile: (84) 903440978

ĐÀO TẠO KỸ SƯ VÀ ENGINEERING

Đã cả tháng nay, các cán bộ trẻ của Khoa Công nghệ Xây dựng – Giao thông ĐH Công nghệ không có ngày nghỉ thứ 7 và CN, tham gia tập huấn sử dụng thiết bị của PTN Vật liệu tiên tiến chống chịu các điều kiện khắc nghiệt trên Hòa Lạc.
Đào tạo kỹ sư khác với cử nhân, không chỉ đào tạo cho sinh viên học giỏi, nghiên cứu giỏi mà còn phải có phương tiện và thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu, để giỏi tay nghề. PTN và CSVC thực hành, thí nghiệm hiện đại rất quan trọng với đào tạo Engineering.
Hôm qua và hôm nay (30 & 31/10/2021): Thực hành sử dụng máy toàn đạc điện tử; thiết bị đo dao động 24 kênh; máy phân tích nhiệt cơ động học, đo các tham số nhiệt động lực học.
Thiết bị nhiệt cơ động học có thể xác định các modul đàn hồi và ứng xử của vật liệu khi chịu các tải trọng động, trong dải nhiệt độ từ -165 độ C đến 600 độ C, hơn nữa, còn cho biết các tham số đó thay đổi phụ thuộc vào tốc độ đặt tải động lực học và tốc độ biến thiên (tăng, giảm) của nhiệt độ.
Thật vất vả, nhưng cũng thật phấn khởi. Tuyệt vời !
Một số hỉnh ảnh tập huấn

HỢP TÁC VỚI CỘNG HÒA PHÁP TRONG ĐÀO TẠO SĐH

Được sự ủng hộ của Giám đốc ĐHQGHN và của BGH trường ĐH Công nghệ và hỗ trợ của ĐSQ Pháp, với sự tài trợ trong khuôn khổ Dự án Eramus+: https://cloud-montus.com/ , chiều ngày 30/10/2021, tại VP Khoa, GS. Nguyễn Đình Đức, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng Giao thông, TS Bùi Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành Giám sát hiện trường và GS Dominique Laffy -tùy viên hợp tác khoa học và đại học – ĐSQ Pháp tại Việt Nam đã làm việc để thảo luận và chốt phương án cuối cùng khung chương trình đào tạo thạc sỹ quản lý đô thị và công trình, với sự hỗ trợ và hợp tác với Cộng hòa Pháp.
Buổi làm việc tại văn phòng Bộ môn Công nghệ XD-GT
Bên cạnh những môn học tiên quyết như của chuyên ngành quản lý đô thị và công trình như nhiều trường đại học khác đang đào tạo, sẽ có thêm những môn lựa chọn mới, đáp ứng với đặc thù đa ngành đa lĩnh vực của ĐHQGHN như tác động của biến đổi khi hậu, phát triển bền vững, phong thủy, các đặc điểm khu vực học liên quán đến tập quán, văn hóa và tôn giáo,..còn có những môn đặc sắc như các công nghệ mới trong xây dựng và thiết kế, quy hoạch đô thị; trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ viễn thám, phân tích và xử lý dữ liệu, quản lý đô thị thông minh,… do các GS từ Pháp và châu âu đến giảng dạy trong chương trình, do Dự án Eramus tài trợ với kỳ vọng đây sẽ thực sự là một chương trình đào tạo hay và hiện đại nhất liên quan đến quản lý đô thị thông minh ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, dự án còn có sự tham gia của các đồng nghiệp đến từ ĐH Kiến trúc, ĐH Xây dựng, ĐH Bách Khoa Đà nẵng và các trường ĐH khác trong và ngoài nước.
Dự kiến chương trình sẽ được phê duyệt và sẽ tuyển sinh trong kỳ thi SĐH đợt 1, tháng 4 năm 2022 ở ĐHQGHN.

Nhà khoa học 3 lần lọt top nhà khoa học hàng đầu thế giới

TIN TỨC DÂN SINH | Theo công bố kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Đại học Stanford (Mỹ), Việt Nam có 5 nhà khoa học thuộc top 10.000 nhà khoa học hàng đầu thế giới. Giáo sư Nguyễn Đình Đức tiếp tục đứng đầu trong các nhà khoa học Việt Nam, xếp hạng 5.949 thế giới (đứng thứ 96 thế giới trong lĩnh vực kỹ thuật). Đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp ông lọt vào danh sách này.