Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN) thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), được thành lập theo Quyết định số 92/2004/QĐ-TTg ngày 25/5/2004 của Thủ tướng Chính phủ, có nhiệm vụ “Đào tạo nguồn nhân lực trình độ đại học, sau đại học và bồi dưỡng nhân tài thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ; Nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội”. Việc thành lập Trường ĐHCN là bước phát triển vượt bậc về cơ cấu đa lĩnh vực của ĐHQGHN, là kết quả quá trình chuẩn bị công phu nhiều năm của ĐHQGHN tạo dựng các tiền đề thành lập trường (Khoa Công nghệ Thông tin từ 02/1995, Khoa Công nghệ Điện tử Viễn thông từ 01/1996 và Khoa Công nghệ trực thuộc ĐHQGHN từ tháng 10/1999 đến tháng 5/2004). Phương châm của ĐHQGHN “phát huy thế mạnh về khoa học cơ bản của ĐHQGHN để phát triển các ngành công nghệ trọng điểm” cộng hưởng với mô hình hoạt động “kết hợp giữa viện nghiên cứu và trường đại học, gắn nghiên cứu – triển khai với sản xuất – kinh doanh” được GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu – nhà khoa học có uy tín thế giới, Hiệu trưởng sáng lập Nhà trường – khởi động đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, đặc trưng bồi dưỡng nhân tài của Nhà trường ngày càng thêm đậm nét. Phát huy cơ chế tự chủ cao, liên kết mạnh của ĐHQGHN, Trường ĐHCN đang tự tin xây dựng trường đại học nghiên cứu tiên tiến hội nhập quốc tế, phấn đấu phát triển các ngành đào tạo và nghiên cứu khoa học đạt trình độ quốc tế.
Hiện tại, Trường ĐHCN có 04 khoa (Công nghệ Thông tin, Điện tử Viễn thông, Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nanô, Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa), 02 viện (Viện Công nghệ hàng không vũ trụ, Viện tiên tiến về Công nghệ và kỹ thuật), 02 Trung tâm (Trung tâm Nghiên cứu Điện tử – Viễn thông, Trung tâm Máy tính) và 02 Phòng thí nghiệm mục tiêu (PTN Hệ thống tích hợp thông minh, PTN Công nghệ Micro-Nano). Trường đào tạo cử nhân các ngành gồm Công nghệ Thông tin, Công nghệ Điện tử – Viễn thông, Vật lý kỹ thuật định hướng công nghệ Nanô, Cơ học kỹ thuật, Cơ điện tử, Khoa học máy tính với khoảng 3000 sinh viên. Hiện Trường ĐHCN có khoảng 500 học viên cao học và nghiên cứu sinh đang học tập và nghiên cứu theo 16 chuyên ngành đào tạo sau đại học.
Số lượng cán bộ của Trường ĐHCN là 214 người trong đó có 141 tuyển dụng theo nghị định 116, trong đó số cán bộ cơ hữu và kiêm nhiệm (được nhà trường trả lương) gồm 15 Giáo sư, 44 Phó giáo sư, 156 Tiến sĩ. Trường ĐHCN tập trung phát triển đội ngũ giảng viên đảm bảo các môn học trong khối kiến thức ngành và chuyên ngành.
Chương trình đào tạo đại học, sau đại học tại Trường ĐHCN được định hướng đảm bảo tính hiện đại và tính thực tiễn. Chương trình đào tạo CNTT dựa trên khung chương trình chuẩn quốc tế Computing Curricula 2005 của Hiệp hội Máy tính Mỹ (ACM), chương trình đào tạo Công nghệ Điện tử – Viễn thông (ĐTVT) dựa trên chương trình tương ứng tại Đại học Quốc gia Singapore. Trường cũng đang tiến hành các chương trình đào tạo Thạc sỹ và Tiến sỹ liên thông với Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (Japan Advanced Institute of Science and Technology – JAIST), Đại học Osaka, Đại học Paris Sud.
Chứng nhận quốc tế về chuyên môn và tiếng Anh là bắt buộc đối với chương trình đào tạo chất lượng cao và khuyến khích đối với chương trình đào tạo chuẩn. Trường ĐHCN là trường đại học đầu tiên ở Việt Nam đưa các nội dung sát hạch kỹ sư Công nghệ thông tin công nhận lẫn nhau với Nhật Bản vào chương trình đào tạo. Năm 2005, hơn 80% cử nhân công nghệ thông tin chất lượng cao đạt chuẩn kỹ sư Công nghệ thông tin FE công nhận lẫn nhau với Nhật bản và hơn 65% cử nhân chất lượng cao có trình độ tiếng Anh trên 500 điểm TOEFL.
Trường ĐHCN có 02 chương trình đào tạo được kiểm định AUN với đánh giá tốt của các thành viên trong đoàn đánh giá cũng như kết luận chung. Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục triển khai đánh giá các ngành, chuyên ngành đào tạo khác.
Hoạt động liên kết Trường – Viện được tiến hành theo quy định trong văn bản thỏa thuận giữa Trường ĐHCN và 05 viện trực thuộc Viện KH&CN Việt Nam (Trường ĐHCN, Viện Vật lý, Viện CNTT, Viện Khoa học Vật liệu, Viện Cơ học và Viện Công nghệ Sinh học) và Viện Máy và Công cụ Công nghiệp (IMI) thuộc Bộ Công nghiệp cho phép hai bên phát huy cao nhất năng lực vào mối liên kết. Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa là đơn vị phối thuộc của Viện Cơ học; ngành đào tạo Cơ điện tử là phối thuộc của IMI; một số phòng thí nghiệm của 06 viện đối tác là đơn vị phối thuộc của Trường ĐHCN. Trường ĐHCN và Viện Toán học (Viện KH&CN Việt Nam) đang chuẩn bị văn bản thỏa thuận về việc nâng cao chất lượng đào tạo kiến thức toán cho các ngành Công nghệ.
Với khối công nghiệp, Trường ĐHCN đã triển khai các hoạt động hợp tác phong phú với nhiều công ty công nghiệp như Oracle, IBM, MicroSoft, CISCO, Toshiba, Fujitsu, LG-Vietnam, Panasonic, FPT (FIS, FSOFT, Đông du, FYT), CSE, HiPT, Tân Dân, ISA, VCC, Peacesoft, Vietsoftware, Peacesoft, Alliant, CyberSoft, Orange Telecom… nhằm mở rộng môi trường thực tập và làm việc nhóm đối với sinh viên. Trong năm 2017, trường ĐHCN đã hợp tác với Công ty Viettel thành lập Viện công nghệ hàng không vũ trụ với chức năng nhiệm vụ đào nguồn nhân lực chất lượng chất lượng cao trong ngành Hàng không vũ trụ.
Về quan hệ quốc tế, Trường ĐHCN đã xác lập được vị thế quốc tế tốt đối với nhiều cơ sở đào tạo – nghiên cứu tiên tiến và nhiều tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới. Nhà trường đã phát huy tác dụng của quan hệ hợp tác quốc tế trong hoạt động đào tạo, khoa học – công nghệ và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ của trường. Văn phòng Dự án VNU-JAIST của Viện KH&CN Tiên tiến Nhật Bản, Phòng Thí nghiệm Toshiba-COLTECH đặt tại Trường ĐHCN và một số đề tài, dự án nghiên cứu của các Tập đoàn Mitani, Toshiba và Panasonic do cán bộ giảng viên triển khai thực hiện là những minh chứng điển hình về hiệu quả hợp tác quốc tế. Về đào tạo, đã phát triển mạnh hoạt động phối hợp tổ chức đào tạo sau đại học với các cơ sở đào tạo – nghiên cứu tiên tiến ở Nhật Bản và Pháp cả theo quy mô và theo trình độ. Trường đã triển khai các chương trình đào tạo Tiến sỹ phối hợp (theo Đề án 322 của Bộ GD&ĐT) với Viện KH&CN Tiên tiến Nhật Bản (JAIST) và với ĐH Paris-Sud 11 (Pháp), các chương trình đào tạo Thạc sỹ phối hợp với JAIST (Nhật Bản), Đại học Osaka (Nhật Bản), Đại học Paris-Sud 11 (Pháp) và Đại học Lyon 1 (Pháp). Theo trình độ, đã liên thông được chương trình đào tạo cử nhân của Trường ĐHCN với chương trình đào tạo sau đại học của Đại học Paris-Sud 11 và Đại học Lyon 1 (Pháp); đã thỏa thuận thực hiện liên thông chương trình đào tạo cử nhân Điện tử -Viễn thông (ĐT-VT) của Trường ĐHCN với chương trình đào tạo cử nhân Kỹ nghệ Điện – Điện tử của ĐH New South Wales (Úc). Nhà trường đang phối hợp với Tập đoàn IBM (Mỹ) mở chuyên ngành đào tạo về Quản lý và Kỹ nghệ của Khoa học Dịch vụ /Dịch vụ Công nghệ Thông tin (SSME/ITSC: Service Science Management and Engineering/Information Technology Services Curriculum) trong nhóm ngành đào tạo CNTT. Hiện tại Nhà trường đang triển khai nhiều thỏa thuận hợp tác đào tạo và nghiên cứu với các cơ sở giáo dục đại học có uy tín của nước ngoài như Viện JAIST-Nhật Bản, Đại học Osaka-Nhật Bản, Đại học Paris-Sud 11-Pháp, Đại học Lyon 1-Pháp, Đại học Đông Nam-Trung Quốc, Đại học New South Wales-Úc, NUS (Úc), ĐH Melbourne (Úc), Đại học Troy (Mỹ), Đại học Khoa học và Công nghệ quốc lập Đài Loan-Trung Quốc và đang đàm phán với Viện Công nghệ Châu Á (AIT) và một số trường đại học khác như Roehampton (Anh), UNCC (Mỹ), Monash, Công nghệ Sydney, Flanders (Úc)…