GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội nhận định: Đề án 89, có mục tiêu rất đúng và trúng là đào tạo giảng viên đại học, có thể hiểu đây là đào tạo những “máy cái” nguồn nhân lực của giáo dục”.
Theo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, hình thức đào tạo của Đề án 89 rất linh hoạt. Những hình thức này sẽ không chỉ đào tạo nghiên cứu sinh (NCS), mà còn góp phần nâng cao trình độ và năng lực hợp tác và hội nhập của đội ngũ giảng viên trong nước, thông qua NCS là cầu nối hợp tác với các GS nước ngoài; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ việc nâng cao chất lượng và đổi mới quy trình tổ chức và quản lý đào tạo NCS của các trường đại học trong nước.
Các đối tác nước ngoài được lựa chọn là những ngành có uy tín, trong top 500 trong các bảng xếp hạng của thế giới; hình thức tuyển chọn với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, thu hút và khích lệ được các giảng viên trẻ làm luận án tiến sĩ (TS).
“Đề án 89 đã quay trở về như hồi chúng tôi làm nghiên cứu sinh 40 năm về trước: học toàn thời gian chính quy và còn được hưởng sinh hoạt phí trong quá trình đào tạo. Tôi cho rằng đào tạo TS là phải như vậy và có như vậy, chúng ta mới kỳ vọng có nhiều luận án TS chất lượng tốt” – GS Đức nhấn mạnh.
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội
Phóng viên: Có nghĩa là Đề án 89 quay lại thời làm quy trình 40 năm về trước, cụ thể thế nào thưa GS? Bài học kinh nghiệm ở đây là gì?
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Không hoàn toàn hẳn như vậy. Ý tôi muốn nhắc đến điểm quay trở về như 40 năm về trước là ở chỗ khi đó, làm NCS không phải đóng học phí, mà còn được hưởng sinh hoạt phí và học chính quy toàn thời gian tại cơ sở đào tạo.
Ngày đó để làm NCS lấy bằng TS khó lắm, chỉ tiêu đã ít, lại còn phải thi cử đầu vào rất khó khăn. Cạnh tranh lắm. Thi đỗ được vào NCS là tự hào, vinh dự và hầu như ai lấy được bằng TS cũng có chất lượng rất tốt, được kiểm chứng bằng năng lực công tác, làm việc, tầm nhìn vượt trội lên hẳn sau khi hoàn thành luận án TS.
Bài học kinh nghiệm từ quá khứ của mấy chục năm về trước, mặc dù đất nước ta điều kiện kinh tế khi đó còn rất khó khăn. Để đào tạo TS có chất lượng thì đầu vào cũng phải tuyển chọn cẩn thận không dễ dãi, quá trình đào tạo phải gắn với nghiên cứu, đầu tư cho NCS phải thỏa đáng như “nuôi” một nhân lực KHCN và NCS toàn tâm toàn ý toàn thời gian cho luận án, và đầu ra cũng phải giám sát chặt chẽ.
Trước đây yêu cầu với luận án tiến sĩ là phải giải quyết được vấn đề mới của khoa học, có đóng góp cho khoa học và thực tiễn thì ngày nay, nhiều người hiểu là chỉ yêu cầu luận án TS phải có công bố quốc tế.
Điều này làm cho luận án của NCS hội nhập với quốc tế, nhưng tôi cho rằng hiểu như vậy còn đơn giản và chỉ có công bố quốc tế thôi cũng chưa đủ.
Định nghĩa về Luận án TS theo Quy chế đào tạo TS ban hành theo QĐ số 4555/QĐ-ĐHQGHN, ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội mà tôi là người chủ trì xây dựng thì: “Luận án TS là công trình nghiên cứu khoa học của nghiên cứu sinh, trong đó chứa đựng những đóng góp mới về lý luận và thực tiễn ở lĩnh vực chuyên môn – có giá trị trong việc phát triển, gia tăng tri thức khoa học và giải quyết trọn vẹn các vấn đề thuộc nhiệm vụ nghiên cứu của luận án, các luận điểm và kết quả nghiên cứu cần bảo vệ”.
Vì vậy, cá nhân tôi cho rằng, trong thời gian tới, đầu ra của các luận án TS nói chung, trong đó có các NCS theo Đề án 89, cũng phải quy định ở tầm như vậy mới xứng đáng.
Thu hồi kinh phí bồi hoàn: Khó khả thi!
Phóng viên: Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục được tuyển chọn và cử giảng viên đi đào tạo có trách nhiệm thu hồi học bổng và chi phí đào tạo đã cấp khi người được cử đi đào tạo vi phạm quy định. Việc giao cho các trường quyền hạn và trách nhiệm như vậy, liệu có khả thi không thưa GS?
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Trước khi trả lời vào câu hỏi này tôi muốn đề cập đến mức kinh phí hỗ trợ cho NCS.
Người làm luận án tiến sĩ chính là nhân lực KHCN của nhà trường, phải xem những NCS là những nhà nghiên cứu, chứ không chỉ là người học.
Vì vậy ở nhiều nước phát triển, học bổng hoặc sinh hoạt phí cấp cho NCS không chỉ đủ sống mà còn khá rộng rãi, để đảm bảo cho NCS sống tốt, yên tâm làm luận án (ngoài ra còn có những hỗ trợ khác về CSVC, thiết bị thực hành, thí nghiệm; kinh phí đi hội thảo trong, ngoài nước) và thậm chí học bổng của NCS đủ trang trải nuôi được gia đình.
Vì vậy, tôi mong muốn đi đôi với Đề án 89, thì các định mức hỗ trợ NCS và hoạt động đào tạo TS phải tới tầm và thỏa đáng.
Về điều khoản khoán, giao cho các trường chịu trách nhiệm thu hồi kinh phí bồi hoàn theo tôi là khó khả thi. Chỉ tương đối khả thi với các đối tượng đang là giảng viên cơ hữu của nhà trường.
Mặt khác cũng phải hình dung là không thể tránh khỏi khi theo Đề án 89 làm giảng viên, nhưng khi có bằng TS, do nhiều nguyên nhân khách quan, lại chuyển sang các bộ ngành khác trong nước không làm giảng viên nữa, trong trường hợp này cũng nên cân nhắc việc có thu hồi học phí không? Nếu có thì thu như thế nào cho phù hợp?
Còn trường hợp khi người học theo Đề án đã có bằng TS mà sau đó lại xin được việc ở làm ở nước ngoài, việc giao cho các trường thu hồi kinh phí, theo tôi là rất khó khăn và khó khả thi.
Phóng viên: Liệu đề án 89 có nguy cơ rơi vào “vết xe” của đề án 322 và 911? Cách khắc phục như thế nào? GS kỳ vọng đề án này đạt hiệu quả như thế nào trong thời gian tới? thúc đẩy gì cho giáo dục đại học Việt Nam?
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức: Đề án 911 trước đây chủ trương gửi công dân Việt Nam đi đào tạo ở nước ngoài. Đề án 322 đào tạo nguồn giảng viên cho các trường đại học được làm luận án ThS và TS ở nước ngoài, đáp ứng cho nhu cầu đào tạo nguồn 20.000 TS làm giảng viên cho các trường đại học.
Khác với tất cả các đề án trước, đề án này cho phép được hỗ trợ NCS hoặc đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, hoặc liên kết với nước ngoài theo mô hình có thời gian trong nước, thời gian ở nước ngoài; hoặc cũng có thể đào tạo toàn thời gian trong nước và đối tượng là các giảng viên hoặc tạo nguồn giảng viên đại học.
Đây là một đề án rất tích cực và phù hợp với thực tiễn và đáp ứng rất cao nhu cầu của các trường đại học ở Việt Nam, vì hiện nay, mặc dù trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực và thành tựu, nhưng đến nay tỷ lệ trung bình TS trong đội ngũ giảng viên các trường đại học Việt Nam mới đạt khoảng gần 28%.
Ngay từ năm 2013, với tư cách là Trưởng Ban Đào tạo của ĐHQGHN, tôi đã chủ trì xây dựng Đề án đào tạo tiến sĩ đạt chuẩn quốc tế ở ĐHQGHN, mục tiêu lựa chọn một số ngành xuất sắc như toán học, vật lý, hóa học, cơ học, CNSH,… đào tạo các NCS từ các nguồn khác nhau trong cả nước về ĐHQGHN làm luận án TS với 3 hình thức như trên, với chuẩn đầu ra có công bố quốc tế như NCS được đào tạo hoàn toàn ở nước ngoài, nhưng rất tiếc Đề án này không có nguồn kinh phí hỗ trợ để triển khai thực hiện. Đề án 89 này đã giúp cho nguyện ước bấy lâu nay của chúng tôi, nay có thể trở thành hiện thực.
Rút kinh nghiệm từ những Đề án trước, theo tôi, để thành công thì không chỉ có Bộ giáo dục và Đào tạo và các cơ sở giáo dục đại học vào cuộc, thầy và trò – NCS vào cuộc, mà phải là sự vào cuộc của cả Chính phủ và các bộ ngành liên quan: thấu hiểu tầm quan trọng của Đề án, có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ và tạo điều kiện, ủng hộ của các bộ ngành khác, để đào tạo NCS – nhất là đào tạo máy cái như trong Đề án 89 – các giảng viên đại học, thì không thể đầu tư cầm chừng, nhỏ giọt.
Đào tạo NCS muốn thành công thì phải đầu tư đến nơi đến chốn, thỏa đáng hơn nữa cho hoạt động nghiên cứu và sáng tạo của người thầy, phải đi đôi với việc đầu tư xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường đại học, bồi dưỡng và đào tạo các cán bộ khoa học đầu ngành, đầu đàn.
Theo tôi, giáo dục đại học có ý nghĩa then chốt trong việc Việt Nam có nắm bắt được những cơ hội để phát triển đột phá trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 hay không. Vì giáo dục đại học gắn với đào tạo chất lượng cao, trình độ cao, đào tạo nguồn nhân lực tiếp cận với đỉnh cao của tri thức.
Với kỳ vọng như vậy, tôi đánh giá Đề án 89 là một bước tiến lớn, sự đổi mới tuyệt vời trong đào tạo TS và nhất định sẽ có đóng góp xứng đáng và hiệu quả vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đại học ở Việt Nam trong thời gian tới.
Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn GS!
Nhật Hồng