Lễ bảo vệ đồ án/khóa luận tốt nghiệp đợt 2 năm 2019

Ngày 10/12, Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN đã diễn ra buổi khai mạc Lễ bảo vệ đồ án/khóa luận tốt nghiệp Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa, Khoa Công nghệ thông tin đợt 2 năm 2019.

Lễ bảo vệ đồ án/khóa luận tốt nghiệp Khoa Cơ học kỹ thuật và Tự động hóa, Khoa Công nghệ thông tin đợt 2 năm 2019

     Tham dự lễ khai mạc có PGS.TS Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Đinh Văn Mạnh – Viện Trưởng Viện Cơ học thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, kiêm Chủ nhiệm khoa CHKT&TĐH và ThS. Lê Thị Phương Thoa –Phó Trưởng phòng Đào tạo cùng thầy cô và hội đồng chấm đồ án/khóa luận. 

Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà phát biểu tại buổi lễ bảo vệ

     Phát biểu khai mạc Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà bày tỏ niềm vui mừng và gửi lời chúc mừng đến các sinh viên đã có kết quả học tập tốt đủ điều kiện bảo vệ đồ án/khóa luận và hoàn thành đồ án/khóa luận tốt nghiệp chuẩn bị bảo vệ trước hội đồng. Kỳ thi này sẽ là một trong những kỷ niệm, dấu ấn đáng nhớ nhất trong quãng thời gian ngồi trên ghế giảng đường của sinh viên. Đồng thời, là cơ hội để sinh viên thể hiện sự trưởng thành của bản thân và trình bày những kiến thức tích lũy được trong suốt thời gian học tập tại trường. Hiệu trưởng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các thầy/cô Viện Cơ học đã đồng hành, phối hợp cùng Nhà trường trong công tác đào tạo, để tạo ra được môi trường đào tạo khác biệt giúp sinh viên khoa CHKT&TĐH có trải nghiệm đa chiều cho sự nghiệp phát triển của bản thân.

Sinh viên hội đồng Công nghệ thông tin chuẩn bị bảo vệ trước hội đồng

       Đợt bảo vệ đồ án/khóa luận tốt nghiệp có 92 sinh viên, chủ yếu thuộc các chương trình đào tạo kỹ sư, có thời hạn 4,5 năm (Kỹ sư Cơ kỹ thuật và Kỹ sư Truyền thông và Mạng máy tính). Ngoài ra có một số sinh viên các ngành khác như Công nghệ Thông tin; Hệ thống thông tin; Khoa học Máy tính; Công nghệ Kỹ thuật Điện tử, truyền thông.

Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật điện tử, truyền thông và Công nghệ kỹ thuật Cơ điện tử bảo vệ trước các hội đồng

     Sinh viên sẽ tham gia bảo vệ tại 13 Hội đồng. Các Hội đồng sẽ làm việc trong cả ngày và dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 11/12/2019.

Tuyết Nga (UET-News)

Hội diễn văn nghệ kỷ niệm 15 năm thành lập, 20 năm truyền thống và chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam

   Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập (25/05/2004 – 25/05/2019), 20 năm truyền thống (18/10/1999 – 18/10/2019) và chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Trường Đại học Công nghệ đã trang trọng tổ chức Hội diễn văn nghệ tại Hội trường Nguyễn Văn Đạo, vào tối ngày 18/11/2019.

     Cổng thông tin điện tử Trường ĐHCN trân trọng giới thiệu một số hình ảnh Hội diễn văn nghệ kỷ niệm 15 năm thành lập, 20 năm truyền thống và chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ban Giám hiệu Nhà trường chụp ảnh lưu niệm với Ban giám khảo và các đơn vị tham gia hội diễn

TS. Nguyễn Anh Thái – Phó Hiệu trưởng Nhà trường (thứ 4, bên trái ảnh sang) và PGS.TS. Trịnh Anh Vũ – Chủ tịch Công đoàn (ngoài cùng, bên phải ảnh) trao giấy chứng nhận cho 07 đơn vị tham gia hội diễn

TS. Nguyễn Anh Thái (ngoài cùng, bên trái ảnh) tặng hoa cho ba vị giám khảo tại hội diễn

Mở đầu hội diễn là tiết mục “Cuộc đời vẫn đẹp sao”- sáng tác Phan Huỳnh Điểu do tập thể Lãnh đạo Trường ĐHCN biểu diễn

Các tiết mục của khối Hiệu bộ với chủ đề Tuổi trẻ, tình yêu và khát vọng

Các tiết mục của khoa Công nghệ thông tin với chủ đề Người giáo viên nhân dân

Các tiết mục của khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano, khoa Công nghệ nông nghiệp, Phòng thí nghiệm trọng điểm Micro&Nano với chủ đề Tuổi trẻ ĐHCN lớn mạnh cùng đất nước

Các tiết mục của Viện Công nghệ hàng không vũ trụ với chủ đề Mãi mãi tuổi 20

Các tiết mục của khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa với chủ đề Tự hào quê hương Việt Nam

Các tiết mục của khoa Điện tử viễn thông với chủ đề Tôi là người Việt Nam

Các tiết mục của Bộ môn Công nghệ xây dựng – giao thông với chủ đề Việt Nam trong tim tôi

Khối Hiệu bộ đạt giải Nhất tại hội diễn

Giải Nhì được trao cho khoa Cơ học kỹ thuật và tự động hóa

Giải ba thuộc về các tiết mục của khoa Điện tử viễn thông, khoa Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano. Đồng thời, giải cổ vũ dành cho sinh viên khoa Vật lý kỹ thuật và công nghệ nano

Các giải khuyến khích thuộc về khoa Công nghệ thông tin, Bộ môn Công nghệ xây dựng – giao thông và Viện Công nghệ hàng không vũ trụ

Tuyết Nga (UET-News)

Y tế thông minh – Thành phố thông minh

Ngày nay, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, kéo theo cuộc sống xã hội ngày càng phát triển. Cùng với đó, tăng trưởng dân số và đô thị hóa cũng đang bùng nổ dẫn đến việc đổi mới để tích hợp công nghệ vào thiết kế dịch vụ thành phố. Chính điều này đã tạo nên bản chất của thành phố thông minh.

Thành phố thông minh là mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để quản lý, nâng cao tiêu chuẩn cuộc sống của con người. Thành phố thông minh phụ thuộc nhiều vào cảm biến để nhận biết thông số như nhiệt độ, độ ẩm, chất gây dị ứng, điều kiện giao thông và tình hình lưới điện….Ở thành phố thông minh, các công nghệ được liên kết với nhau chủ yếu thông qua các thiết bị cảm biến; các thành phố kết nối với nhau bởi mạng Wi-Fi ( trong tương lai sẽ là mạng Li-Fi với công nghệ truyền Internet bằng ánh sáng, nó có thể thay thế hoàn toàn Wi-Fi với tốc độ kết nối nhanh hơn và tính bảo mật cao hơn do ánh sáng không thể truyền qua tường [1] ). Vì được kết nối với nhau bởi mạng lưới internet, nên thành phố thông minh sẽ hỗ trợ rất nhiều cho giao thông vận tải; hệ thống năng lượng; giải quyết các vấn đề môi trường và phản hồi khẩn cấp các vấn đề an ninh xã hội;… đặc biệt là vấn đề chăm sóc sức khỏe một cách thông minh.

Vậy tại sao chăm sóc sức khỏe lại là một cơ sở quan trọng hàng đầu của thành phố thông minh? Chúng ta cần làm gì để có thể chăm sóc sức khỏe một cách thông minh nhất?

Một thành phố phát triển, đòi hỏi con người cần phải có nhiều sự sáng tạo. Nhưng để phục vụ cho việc sáng tạo, đổi mới thì sức khỏe con người phải đặt lên hàng đầu. Một thành phố có những công dân khỏe mạnh thì thành phố đó sẽ được cân bằng trong mọi lĩnh vực. Không còn nghi ngờ gì nữa, ngành y tế đang chứng kiến sự tiến bộ trong vài năm qua. Nhưng với dân số và lối sống đô thị ngày càng tăng, việc chăm sóc sức khỏe công dân một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn càng trở nên quan trọng. Chăm sóc sức khỏe thông minh là việc sử dụng các hệ thống công nghệ thông tin và công nghệ truyền thông để cải thiện việc chăm sóc sức khỏe cho con người, biến chăm sóc sức khỏe theo truyền thống thành chăm sóc sức khỏe thông minh.

Hiện nay, có nhiều thiết bị công nghệ giúp con người có thể chăm sóc sức khỏe một cách thông minh nhất. IoT ( Internet of thing hay internet kết nối vạn vật) đã thay đổi rất nhiều về cách chúng ta sống, làm việc và giữ gìn sức khỏe. Công nghệ IoT ngày càng trở nên có ảnh hưởng hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bằng cách giúp các nhà cung cấp dịch vụ y tế dễ dàng theo dõi bệnh nhân giữa các lần thăm khám [2]. Đồng thời giúp đưa ra các phác đồ điều trị trong tương lai một cách hiệu quả và kịp thời. Nhờ vậy bệnh nhân được chăm sóc tốt hơn.

Trí thông minh nhân tạo (AI hay Artifical Interlligence ) cũng đang ngày càng chứng minh khả năng thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực chăm sóc sức khỏe trong tương lai không xa. Trí tuệ nhân tạo được sử dụng để đánh giá và đưa ra các kết quả có thể xảy ra để tìm ra các giải pháp ứng phó kịp thời. Đặc biệt, khi các bác sĩ chuyên khoa ở các vị trí khác nhau; với sự giúp đỡ của Robot, các bác sĩ vẫn có thể liên lạc, chuẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân một cách dễ dàng.[3]

Mặc dù vậy, nhưng chúng ta cũng đối mặt với không ít thách thức khi sử dụng các công nghệ thông minh như các mối đe dọa an ninh do các thiết bị thông minh hoạt động và liên kết với nhau thông qua mạng Wi-Fi nên có thể bị các hacker tấn công dữ liệu; vấn đề tích hợp nhiều thiết bị; vấn đề phân tích và đưa ra kết quả từ dữ liệu mở rộng. Không chỉ dừng lại ở đó, trí tuệ nhân tạo cũng có thể trở thành một mối nguy cơ lớn nếu nó được lập trình với những mục đích xấu.

Ở khu vực Nam Thái Bình Dương, Úc đã phải làm việc rất tích cực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của mình. Quốc gia này đang đặt mục tiêu tăng gấp đôi chỉ tiêu cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong những năm tới. Kế hoạch này là tích hợp hệ thống y tế thông qua các kết nối tốt hơn, tích hợp dữ liệu, hồ sơ không cần giấy tờ, hiệu quả được cải thiện và thực hành nghiên cứu tốt hơn. Tại đại học Melbourne, họ đang thu thập các dữ liệu từ các các bệnh viện và phòng khám khác nhau để từ đó biên soạn ra một kho lưu trữ duy nhất. Dữ liệu được thu thập sẽ cho phép R & D tốt hơn và cung cấp giải pháp hiệu quả để điều trị ung thư và động kinh.[4]

Trong xu thế của cuộc cách mạng 4.0, y tế Việt Nam cũng đã từng bước tiếp cận với xu thế này để đẩy mạnh trong việc chăm sóc sức khỏe. Không dừng lại ở lý thuyết, Việt Nam cũng đang bắt đầu tiếp cận với việc thử nghiệm và sử dụng trí tuệ nhân tạo. Hầu hết các bệnh viện ở Việt Nam đều đã có các phần mềm quản lý bệnh viện bằng số hóa. Không dừng lại ở đó, tại một bệnh viện trung ương ở tỉnh Phú Thọ cũng đang thử nghiệm công nghệ “Watson For Oncology ” để giúp các bác sĩ đưa ra các pháp đồ điều trị ung thư một cách tối ưu nhất [5]. Tuy nhiên ta cũng gặp không ít khó khăn trong lĩnh vực này do Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống thông minh riêng nào trong việc chăm sóc sức khỏe mà hầu hết phải dựa vào sự hợp tác của nước ngoài chủ yếu là Hoa Kỳ.

Như vậy, để có một hệ thống y tế thông minh, Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển thiết bị y tế; phát triển nhân lực và khoa học – công nghệ đồng thời tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế để tìm ra các giải pháp thông minh cho việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Cùng với sự giúp đỡ của IoT và trí tuệ nhân tạo sẽ là tiền đề mở ra một kỷ nguyên mới trong việc giải quyết các vấn đề sức khỏe hiện đại cho các thành phố ở Việt Nam.

Sinh viên: Đỗ Minh Khang K62 XD_GT

Tài liệu tham khảo

[1] http://genk.vn/day-la-li-fi-cong-nghe-truyen-mang-internet-bang-anh-sang-co-the-thay-the-hoan-toan-wi-fi-trong-tuong-lai-20170214150611538.chn

[2] https://techinsight.com.vn/iot-giai-phap-cham-soc-suc-khoe-cho-tuong-lai/

[3] https://www.researchgate.net/publication/322605918_Using_Smart_City_Technology      to_Make_Healthcare_Smarter

[4] https://www.smartcity.press/smart-healthcare-for-smart-cities/

[5] https://www.youtube.com/watch?v=RXB6vKiRxKg

TUYỂN DỤNG GIẢNG VIÊN

NGÀNH KỸ THUẬT XÂY DỰNG (CIVIL ENGINEERING) CỦA ĐH CÔNG NGHỆ – ĐHQGHN TUYỂN DỤNG GIẢNG VIÊN.

Đơn vị tuyển dụng: Bộ môn Công nghệ Xây dựng – Giao thông
(Bộ môn trực thuộc trường – về hành chính tương đương cấp Khoa)
Chỉ tiêu: 3 giảng viên
Tiêu chuẩn: Có học vị tiến sĩ Chuyên ngành Kỹ thuật xây dựng (Civil Engineering)
Trình độ tiếng Anh B2 hoặc tương đương
Có khả năng thuyết trình tốt bằng tiếng Anh và tiếng Việt
Có đủ sức khỏe, ngoại hình bình thường, không bị dị tật về phát âm
Ưu tiên các ứng viên tốt nghiệp TS tại các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín, có công bố khoa học tốt gần đây.
Thông tin chi tiết, liên hệ phòng TCCB – ĐH Công nghệ
ĐT: 024-32272803, Email: tccb_dhcn@vnu.edu.vn
Chủ nhiệm Bộ môn, Email: ducnd@vnu.edu.vn
Thời hạn nộp hồ sơ: 18/6/2019-31/07/2019.

Trân trọng thông báo và mong nhận được sự quan tâm và apply của các bạn TS trẻ – các đồng nghiệp trong và ngoài nước.

Chủ nhiệm Bộ môn,
GS.TSKH Nguyễn Đình Đức,

HỢP TÁC QUỐC TẾ SÂU RỘNG VÀ CƠ HỘI VIỆC LÀM CHO KỸ SƯ CÔNG NGHỆ KỸ THUẬT XÂY DỰNG CỦA TRƯỜNG ĐH CÔNG NGHỆ – ĐHQGHN

Đào tạo ngành kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng ở ĐH Công nghệ có ưu thế là nền tảng kiến thức được trang bị rất sâu và kỹ về toán, cơ học, CNTT, đặc biệt là các kiến thức chuyên ngành nền tảng và những công nghệ, kỹ thuật mới nhất của ngành xây dựng (Civil Engineering).

Đặc biêt, trường ĐH của Nhật Bản cam kết hỗ trợ đỡ đầu cho ngành này. ĐH Nhật Bản cử GS sang giảng dạy, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; nhận giảng viên của khoa Xây dựng Giao thông sang Nhật thực tập, nâng cao trình độ; giúp cho Bộ môn và khoa tài liệu, giáo trình, thiết bị thí nghiệm; kết nối với các doanh nghiệp Nhật bản trong lĩnh vực này. Thật là sự ủng hộ và giúp đỡ hết lòng, quá tuyệt vời.

Học tập của sinh viên được gắn với nghiên cứu, với thực hành trong PTN và thực tập tại các doanh nghiệp. Đội ngũ cán bộ giảng dạy đào tạo bài bản, tài năng, nhiệt huyết năng động và rất trẻ trung. Được ủng hộ mạnh mẽ của các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu lớn nhất ở trong và ngoài nước. Rất nhiều học bổng cho sinh viên và cơ hội sau khi ra trường có việc làm tại môi trường quốc tế như Nhật Bản, Hàn Quốc,…

Chính vì vậy, ngành kỹ sư Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng của trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN thu hút được sự quan tâm của các bộ ngành, doanh nghiệp, các đối tác trong và ngoài nước, các bậc phụ huynh và toàn xã hội, và ngày càng có nhiều em thí sinh giỏi và ưu tú đăng ký vào học,

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, bao gồm Quân Trần Quốc, mọi người đang đứng, hoa và ngoài trời

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, bao gồm Quân Trần Quốc, mọi người đang đứng và trong nhà

Trong ảnh: 2 giảng viên trẻ TS Trần Quốc Quân và TS Dương Tuấn Mạnh được sang thực tập và nâng cao trình độ chuyên môn tại Nhật Bản trong dịp hè 2019.

THÀNH CÔNG TỪ MÔ HÌNH ĐÀO TẠO NHÂN TÀI TRONG THỜI ĐẠI CMCN 4.0 CỦA GS NGUYỄN ĐÌNH ĐỨC

   Nhóm nghiên cứu về vật liệu và kết cấu tiên tiến của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức ở Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong những nhóm nghiên cứu mạnh của Việt Nam, được biết đến trong cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế. Bài học thành công của mô hình này đã chứng minh những cách đi sáng tạo và độc đáo để giáo dục đại học và khoa học Việt Nam tiếp cận nhanh và hiệu quả với các chuẩn mực của quốc tế. 

                                (Bài đã được tóm lược đăng trên Dân trí, ngày 18.4.2019)

 Thành lập nhóm nghiên cứu, xây dựng mô hình bắt đầu từ tâm huyết của một người thầy – GS.TSKH Nguyễn Đình Đức.

Hiện nay, nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường đại học, tạo sản phẩm đầu ra (các em sinh viên) có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng nhu cầu của các cơ quan, doanh nghiệp, tập đoàn, công ty là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các trường đại học ở Việt Nam. Hơn thế nữa, trong bối cảnh giao lưu và hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp 4.0, vấn đề đào tào nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể cạnh tranh trong môi trường quốc tế và khu vực đã thôi thúc GS.TSKH Nguyễn Đình Đức bắt tay vào thành lập Nhóm Nghiên cứu (NNC) của riêng mình.

Khởi đầu với nguồn tài chính bằng con số không để xây dựng NNC, năm 2010 GS Đức đã tập hợp, tuyển chọn, dìu dắt những sinh viên đam mê học tập và nghiên cứu khoa học. Ban đầu nhóm chỉ có thầy và vài trò; nơi làm việc cũng hết sức đơn sơ, chỉ là phòng làm việc của thầy sau giờ hành chính, giảng đường đã tan học hay quán nước nhỏ bên hè. Nhưng với tâm huyết của người thầy, sinh viên tìm đến tham gia vào nhóm ngày càng nhiều hơn. Bên cạnh công việc học tập trên lớp, các sinh viên đã được GS. Nguyễn Đình Đức hướng dẫn tập trung nghiên cứu khoa học. Được sinh hoạt trong nhóm nghiên cứu, các sinh viên không chỉ nâng cao về kết quả học tập ở bậc đại học, quan trọng hơn, các em được làm quen và trưởng thành trong môi trường nghiên cứu khoa học. Mục đích của NNC được GS. Nguyễn Đình Đức xác định không chỉ công bố ở những tạp chí chuyên ngành có uy tín ở trong nước mà tham gia vào “sân chơi” khoa học chuyên ngành quốc tế. Để đạt được mục đích đó, GS. Đức đã tìm hiểu, nắm bắt được những hướng nghiên cứu mới của thế giới, triển khai trong NNC. GS. Nguyễn Đình Đức đã tận tình chỉ bảo, đã định hướng nghiên cứu cho từng sinh viên, giao bài tập tính toán, đôn đốc, kiểm tra kết quả, thảo luận và tiến tới công bố quốc tế. Cứ kiên trì như vậy, công lao của thầy và trò được đền đáp bằng những bài báo quốc tế trên các tạp chí có uy tín.

Như vậy, có thể nói, thành lập NNC với giai đoạn đầu là giai đoạn “khởi nghiệp” trong khoa học của thầy và trò gắn với những gặt hái đầu tiên là các bài báo công bố quốc tế. Đây là nền tảng rất quan trọng để NNC tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2107, đây là giai đoạn trưởng thành và bứt phá về mọi mặt của NNC. Thời kỳ này NNC có sự chuyển biến về chất. Trên cơ sở đó, năm 2014, GS. Nguyễn Đình Đức đã đề xuất và được lãnh đạo Trường ĐH Công nghệ – ĐHQG ủng hộ thành lập phòng thí nghiệm (PTN). Với mô hình và cơ cấu mới, PTN đã mở rộng hợp tác với các Bộ môn, PTN của quốc tế (Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, UK,…) và các trường đại học trong nước (Học Viện KTQS, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Việt Nhật…). Hoạt động của NNC không ngừng được thúc đẩy, mở rộng. Không chỉ sinh viên, NCS, Th.S các trường đại học mà cả những TS, PGS, GS đang là giảng viên các trường đại học trong và ngoài nước tham gia vào nhóm nghiên cứu. Lĩnh vực nghiên cứu cũng có bước đột phá từ  nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu ứng dụng. PTN đã mở rộng các hướng nghiên cứu liên quan đến kỹ thuật hạ tầng, biến đổi khí hậu, các công trình đặc biệt, vật liệu tiên tiến, hợp tác sâu rộng với các nhà khoa học quốc tế, đầu mối tổ chức thành công những hội nghị quốc tế lớn có uy tín.

Xuất phát từ nhận thức: NNC có thể lúc mạnh, lúc yếu, nhưng để trường tồn và phát triển bền vững, NNC phải gắn với đào tạo. Sự phát triển của NNC phải gắn với việc mở các ngành mới, khoa mới, thành lập các tổ chức mới. Từ triết lý đó, trên nền tảng của NNC mạnh, GS. Nguyễn Đình Đức còn mở thêm Ngành và Khoa mới. Nắm bắt được hướng phát triển của kỹ thuật, công nghệ hiện đại không thể thiếu lĩnh vực vật liệu và kết cấu tiến tiến, GS. Nguyễn Đình Đưcx đã xin mở đào tạo chuyên ngành Vật liệu và Kết cấu tiên tiến tại Khoa Cơ học Kỹ thuật (Đại học Công nghệ, ĐHQGHN) vào năm 2015. Đến nay, Khoa đã bước sang năm thứ 4 đào tạo sinh viên theo chuyên ngành này. Ngoài ra, NNC cũng là chỗ dựa quan trọng để gây dựng ngành Kỹ thuật hạ tầng ở ĐH Việt Nhật và Ngành Kỹ sư Xây dựng-Giao thông ở ĐH Công nghệ. 3 năm sau, năm 2018, GS. Nguyễn Đình Đức tiếp tục thành lập Khoa mới – Khoa Công nghệ Kỹ thuật  Xây dựng – Giao thông, mở ra sự hợp tác mới với các  Khoa, các Trường Đại học lớn, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Ngoài ra, NNC cũng là chỗ dựa quan trọng để gây dựng ngành Kỹ thuật hạ tầng ở ĐH Việt Nhật và Ngành Kỹ sư Xây dựng-Giao thông ở ĐH Công nghệ.

Như vậy, từ mô hình NNC với hoạt động chính là nghiên cứu khoa học để có những công bố quốc tế, đã hình thành nên mô hình mới đó là  PTN – nơi chuyển từ những nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu ứng dụng với kết quả là các bằng sáng chế khoa học. Cũng từ hạt nhân NNC, với sự đòi hỏi phát triển từ nội tại, các Ngành, Khoa mới được thành lập để đáp ứng nhu cầu đào tạo bổ sung nhân lực (các kỹ sư) cho xã hội và cho chính NNC. Các thành viên của NNC không chỉ sinh hoạt khoa học trong NNC mà còn là những thầy, cô giáo tham gia giảng dạy ở những Ngành, Khoa mới vừa thành lập. Đây là mô hình đào tạo rất mới, rất sáng tạo ở Việt Nam.

Mô hình NCC – mô hình đào tạo nhân tài theo hướng cá thể hóa.

Đến nay, NNC có 40 thành viên, đứng đầu là GS. Nguyễn Đình Đức trưởng nhóm, các thầy, cô là giảng viên ở các trường đại học, các TS trẻ, NCS, Học viên cao học và sinh viên. Mô hình đào tạo của NNC theo hướng cá thể hóa. Điều đó có nghĩa là, trách nhiệm của người đứng đầu NNC rất quan trọng. NNC được tổ chức hoạt động phân cấp theo cơ chế mềm. Đứng đầu là GS. Trưởng NNC, tiếp theo là các tiến sĩ, NCS rồi đến sinh viên các khóa.

Để nhóm NNC hoạt động hiệu quả trong nghiên cứu, đào tạo đến từng cá nhân, nhóm NNC được chia làm nhiều nhóm nhỏ. Đứng đầu phụ trách mỗi nhóm nhỏ do các tiến sĩ trẻ đảm nhận; chịu trách nhiệm triển khai, đôn đốc các nhiệm vụ khoa học khi được GS. Trưởng nhóm giao phó.

Trên cơ sở các hướng nghiên cứu chung, GS Trưởng NNC là người sẽ giao nội dung, nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể cho từng thành viên hoặc cho các nhóm nhỏ dựa trên thế mạnh của họ. Khi nhận được nhiệm vụ từ GS. Trưởng nhóm, các TS trẻ đứng đầu mỗi nhóm chỉ bảo, dìu dắt cho các NCS trong nhóm; tiếp đến các NCS này lại dìu dắt, hỗ trợ cho các em sinh viên. Trong nhóm sinh viên, những sinh viên năm trên có nhiệm vụ giúp đỡ sinh viên năm dưới mới tham gia vào NNC. Hằng tuần, NNC đều tổ chức Seminar khoa học. Đặc biệt, thông qua hoạt động và hợp tác của NNC, các thành viên trong nhóm còn được tham gia các buổi thảo luận, tập huấn, Seminar của các GS nước ngoài. Qua đó, những vấn đề mới trong khoa học được bàn luận, giải đáp.

Trong quá trình tham gia NNC, nhiều sinh viên, NCS đã được cử đi thực tập tại các trường đại học lớn như ĐH Osaka (Nhật Bản), ĐH Birmingham (UK), …và doanh nghiệp có uy tín như CONINCO,…. Các em được tham dự hội thảo khoa học lớn trong nước và quốc tế. Sinh viên năm thứ 4 được thực tập thực tế 1 học kỳ ở một số công ty. Trình độ và kiến thức thực tế của sinh viên, NCS được nâng cao qua những lần được ra hiện trường, tiếp xúc với Tổng công trình sư, các kỹ sư, được đọc bản vẽ, tư vấn, giám sát cùng các kỹ sư…. Sau khi tốt nghiệp, những sinh viên, NCS có học lực và kết quả nghiên cứu tốt sẽ được giới thiệu chuyển tiếp nghiên cứu sinh hoặc đi làm việc ở nước ngoài. Ngược lại, NNC cũng là môi trường để tiếp nhận các NCS và cán bộ nghiên cứu của nước ngoài đến trao đổi, nghiên cứu tại Việt Nam. Bên cạnh hoạt động chuyên môn, NNC còn tổ chức các buổi tổng kết cuối năm, tham quan du xuân vào đầu năm, dã ngoại, viếng mộ các anh hùng liệt sĩ…

Như vậy, có thể thấy sau khi chuyển đổi từ đào tạo niên chế (tổ chức theo lớp, khóa, có giáo viên chủ nhiệm) sang hình thức đào tạo theo tín chỉ (không còn lớp biên chế cứng, sinh viên được chọn môn học, không còn giáo viên chủ nhiệm,…), do vậy, mối quan hệ hợp tác giữa những người học theo tín chỉ trở nên lỏng lẻo. Mô hình NNC chính là mô hình rất hiệu quả, không chỉ học gắn với hành mà còn gắn kết các GS, PGS, các thầy cô với sinh viên, NCS thành một khối thống nhất, trong đó, có sự dìu dắt, chỉ bảo và định hướng, giúp đỡ tận tình từ những người thầy và các thành viên trong nhóm. Các thành viên tham gia NNC được làm việc trong môi trường tập thể nhưng được giao nhiệm vụ chuyên môn riêng, được phát triển tài năng gắn với những thành quả khoa học của từng cá nhân. Mô hình NNC còn là mô hình không chỉ đào tạo, phát triển về chuyên môn khoa học mà còn giáo dục nhân cách, tinh thần làm việc nhóm, sự hợp tác và các kỹ năng mềm cho sinh viên một cách hiệu quả. NNC chính là mô hình đào tạo các tài năng theo hướng cá thể hóa, phù hợp với sự chuyển đổi của giáo dục đại học trong bối cảnh CMCN 4.0.

Tính ưu việt của mô hình NNC

Từ mô hình hoạt động NNC của GS. Nguyễn Đình Đưcx cho thấy, đây là hình thức thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng tập trung hóa và chuyên môn hóa hiệu quả. Các nhà nghiên cứu trong nhóm nỗ lực cùng phát triển mục tiêu chung, phối hợp nguồn lực và chia sẻ công việc nhằm hướng đến mục tiêu chung của nhóm. Sự gắn kết trong nhóm nghiên cứu thường được thúc đẩy bởi các hoạt động như sinh hoạt khoa học thường xuyên, khuyến khích các cuộc tranh luận mang tính tích cực và tăng cường sự tín nhiệm giữa các nhà nghiên cứu trong nhóm.

Mục tiêu của nhóm nghiên cứu là thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, đồng thời kết hợp với đào tạo thông qua nghiên cứu. Thực tiễn từ mô hình của NNC của GS. Nguyễn Đình Đức cho thấy, việc hình thành các nhóm nghiên cứu tạo nên hệ thống nghiên cứu khoa học rất vững mạnh của tổ chức KH&CN, nhất là đối với các trường đại học. Nhóm nghiên cứu là nơi tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học kết hợp với đào tạo, cụ thể là đào tạo qua nghiên cứu. Kết quả của các nhóm nghiên cứu góp phần đẩy mạnh công bố quốc tế; đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhân lực kế cận. Đồng thời, NNC khắc phục được hạn chế của một tổ chức/đơn vị nghiên cứu “cứng”. Nếu như hoạt động của một đơn vị nghiên cứu “cứng” thường bị ràng buộc bởi các giới hạn mang tính thể chế về chức năng, nhiệm vụ, cấu trúc hành chính, nguồn lực,…thì nhóm nghiên cứu hầu như không bị ràng buộc bởi các giới hạn này. Mặc dù vậy, các quyền tự trị về quản lý, tự chủ về nguồn lực và tự do về học thuật của nhóm nghiên cứu luôn đi cùng với trách nhiệm đạt được mục tiêu của họ, đây chính là điều kiện để nhóm nghiên cứu tiếp tục tồn tại và phát triển. Từ NNC có thể thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước trong đào tạo và nghiên cứu theo mô hình “Uber hóa’’ trong giáo dục.

NNC cũng chính là môi trường để thu hút nhân tài, triển khai hội nhập quốc tế trong hoạt động đào tạo và NCKH. Mấu chốt thành công của mô hình này trước hết, người thầy (trưởng nhóm) phải tâm huyết, dẫn dắt được NNC tới các hướng nghiên cứu hiện đại, khích lệ được sự đam mê, tham gia tích cực với hoài bão khoa học của các em NCS và sinh viên.

Mô hình này được đánh giá là rất thành công bởi đã đào tạo được những NCS, sinh viên không chỉ có chất lượng tốt, có nền tảng kiến thức vững chắc về toán học, vật lý, cơ học, CNTT,…, có kinh nghiệm thực tế mà còn được tôi luyện về ý chí, tinh thần và sức sáng tạo mỗi khi bắt tay vào nghiên cứu những vấn đề khoa học mới.

Kinh nghiệm của các nước tiên tiến đã chỉ ra, NNC mạnh chính là hạt nhân phát triển của những Trung tâm nghiên cứu xuất sắc (CoE) trong trường đại học. Việc hình thành các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc trong trường đại học từ các nhóm nghiên cứu mạnh đã tạo ra những đơn vị hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, và đổi mới ở trình độ cao. Trong vài thập kỷ gần đây, các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc đã rất phát triển trong nhiều trường đại học, trong đó, ở cả các nước có nền khoa học tiên tiến (Mỹ, Nhật, Anh, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc,…) và các nước đang phát triển (Brazil, Saudi Arabia,…). Mỹ là nước đi đầu và có nhiều thành công trong lĩnh vực này. Ví dụ, Viện Richard E.Smalley – Đại học Rice (thành lập năm 1993), được xem là một Trung tâm xuất sắc với sứ mệnh dẫn đầu thế giới về nghiên cứu công nghệ nano. Đã có hai nhà khoa học (đồng thời cũng là các trưởng nhóm nghiên cứu mạnh) của Viện được nhận giải Nobel về hóa học năm 1996 là R.Smalley và R.Curi. Năm 2005, viện này được tạp chí Small Time bầu là viện nghiên cứu đứng đầu thế giới về công nghệ nano.

Một số kết quả của mô hình NNC

Chỉ sau 9 năm xây dựng và phát triển, NNC của GS. Nguyễn Đình Đức đã  đạt được nhiều kết quả quan trọng trong nghiên cứu và đào tạo, đồng thời góp phần phục vụ thực tiễn. NNC đã  công bố 250 bài báo, báo cáo khoa học, trong đó có 125 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế ISI (SCI, SCIE) có uy tín, được cấp 1 bằng sáng chế trong sản xuất chế tạo vật liệu nanocomposite, xuất bản giáo trình và sách chuyên khảo (bằng tiếng Anh) phục vụ đào tạo đại học, sau đại học, đã có 5 NCS bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sỹ và đang đào tạo 10 NCS. Đến nay ngành Cơ học Việt Nam đã trao 5 giải thưởng Nguyễn Văn Đạo cho các nhà khoa học trẻ tài năng thì 2 học trò trong NNC là TS Hoàng Văn Tùng và TS Trần Quốc Quân đã vinh dự được nhận giải thưởng này. Tất cả các thành viên tham gia NNC đều gặt hái được nhiều bài báo quốc tế, đặc biệt là các em NCS, sinh viên ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường đã có bề dày thành tích về công bố quốc tế như Phạm Hồng Công 23 bài ISI, Trần Quốc Quân 20 bài ISI, Vũ Thị Thùy Anh 9 bài ISI, Vũ Đình Quang 7 bài ISI, Phạm Đình Nguyện 6 bài ISI,…Uy tín của nhóm nghiên cứu đã vang xa và có sức thu hút trong cộng đồng khoa học quốc tế.

                   GS.TSKH  Nguyễn Đình Đức và các học trò trong NNC bảo vệ luận án TS

NNC cũng giữ vai trò nòng cột tổ chức nhiều hội nghị quốc tế có uy tín thành công như ICEMA 2010, ICEMA2012, ICEMA2014, ICEMA2016, Hội nghị quốc tế về tối ưu hóa theo thuật toán của bầy ong (3/2018) và Hội nghị quốc tế về tính toán trong khoa học vật liệu ACCMS TM 2018 (9/2018) với hàng trăm nhà khoa học hàng đầu của quốc tế tham gia,…

Chính nhờ mô hình hoạt động hiệu quả, có uy tín và chất lượng như vậy, NNC đã và đang có quan hệ hợp tác bình đẳng, ngang tầm với các nhà PTN và các nhà khoa học có uy tín trong các trường đại học hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Vương quốc Anh, Úc, Canada,….như Đại học  Công nghệ Tokyo và Đại học Tổng hợp Tokyo (Nhật Bản), Đại học Tổng hợp Melbourne(Úc), Đại học Birmingham (UK), ĐH Yonsei (Hàn Quốc), Đại học Tổng hợp Matxcova MGU (Liên bang Nga),…GS trưởng NNC cũng là thành viên của Hội đồng quốc tế về tính toán trong khoa học vật liệu ACCMS, thành viên Ủy ban quốc tế về vật liệu chức năng thông minh có cơ lý tính biến đổi FGM và thành viên ban biên tập của nhiều tạo chí quốc tế ISI.

Như vậy, nếu so sánh về nguồn tài chính đầu tư vô cùng ít ỏi và thành tựu đạt được của một NNC như trên cho thấy mô hình NNC vừa có ưu điểm gọn nhẹ và hiệu quả hơn hẳn một số Viện, Trung tâm nghiên cứu trong nước.

Còn so sánh kinh phí đầu tư NNC trong nước của GS. Nguyễn Đình Đức với mô hình của các NNC mạnh trên thế giới, thì chỉ bằng 1%.

Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất so với nước ngoài, là khi có kinh phí, có dự án đề tài mới thành lập NNC; nhưng ở Việt Nam, qua mô hình của NNC của GS. Nguyễn Đình Đức cho thấy, dẫu còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng NNC vẫn được hình thành và phát triển hiệu quả và phát triển bằng nội lực made in Vietnam 100%.

                                         ——————————–

 

 

 

Trưởng thành trong NNC Vật liệu và Kết cấu tiên tiến của GS Nguyễn Đình Đức tại trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN

TS Vũ Thị Thùy Anh

Bộ môn Công nghệ Xây dựng – Giao thông, Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN

Để cho bớt khô khan, tham luận này của tôi sẽ được trình bày dưới dạng một bài tản mạn hơn là trình bày một vấn đề khoa học, tản mạn về việc trưởng thành của tôi khi tôi tham gia vào một nhóm nghiên cứu (NNC) mạnh của ĐH Công nghệ – ĐHQGHN: Nhóm nghiên cứu mạnh về vật liệu và kết cấu tiên tiến do GS.TSKH Nguyễn Đình Đức làm trưởng nhóm.

Năm 2005, Tôi – cô sinh viên năm nhất ngành Cơ kỹ thuật – Trường ĐH Công nghệ, ĐHQGHN nhận được học bổng chính phủ đi sang Nga du học với một ước mơ được tiếp cận với một nền giáo dục gần như là tốt nhất về Vật lý. Hành trang tôi mang theo khi ấy chỉ vỏn vẹn là những kiến thức cơ bản được đào tạo từ hồi cấp 3, nhưng cái ước mơ của tôi lại to lớn không tưởng: trở thành một Bà Tiến Sĩ ngành Cơ kỹ thuật. Vâng, tôi phải nhấn mạnh ‘Bà Tiến sĩ’, chứ không phải ‘Cô Tiến sĩ’, chứ chưa nói gì đến ‘chị Tiến sĩ’, bởi trong tôi Tiến sĩ mà sau đây tôi xin viết tắt là TS, là một cái gì đó cao siêu lắm, cứ nhắc đến là mấy cô cậu học sinh, sinh viên cứ trợn tròn mắt lên ngưỡng mộ; là một cái gì đó mà phải rèn luyện thật lâu năm đến mức già thành ‘Bà’ mới nhận được.

Và thế, cái ước mơ cứ theo tôi đi suốt chặng đường du học, ngày qua ngày tại trường ĐH Bách Khoa Saint – Petersburg, cô sinh viên theo học ngành Физ-Мех (Физико-Механический факультет) (ngành Lý cơ) cứ phải gồng mình lên theo học để qua môn chứ chưa nói gì tới chuyện trở thành TS trong cái khoa Lý Cơ – cái khoa mà đi bất cứ đâu, gặp bất kì người Nga hay người Việt nào chỉ cần nhắc tới tên khoa là mọi người lại lắc đầu ngao ngán vì mức độ khó của ngành, bởi đơn giản ‘Физ-Мех Лучше всех’ (Lý Cơ là tốt nhất trong tất cả).

Bảy năm qua đi, với bao nhiêu vất vả và mệt nhọc, tôi tốt nghiệp Thạc sỹ và về nước theo lời khuyên của bố mẹ: ‘khó quá thì thôi con ạ, học thạc sỹ là được rồi, chứ đến TS thì còn vất vả hơn nữa’. Cô sinh viên ngày nào, bỏ dở ước mơ trở thành TS tại Nga để về Việt Nam bước vào cuộc sống của một Giảng viên nữ tại ĐH Công nghệ.

Những tưởng sau bao năm phấn đấu, Thạc sỹ đã là cái gì ghê gớm lắm rồi, nhưng không, để đủ kiến thức và kinh nghiệm đứng trước giảng đường, tôi cần phải phấn đấu hơn nữa. Nhưng Việt Nam liệu có là môi trường để tôi phấn đấu tiếp không? Trong khi những luồng thông tin trái chiều, những kinh nghiệm của các đồng nghiệp đi trước và cả tài chính cũng là vấn đề nữa, tất cả khiến tôi rất lo ngại khi đưa ra quyết định sẽ học tiếp TS tại Việt Nam. Vậy mà tôi đã quyết định và làm được như thế.

Khi ấy, cơ duyên đưa tôi đến với NNC của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, gọi là NNC nhưng lúc đó nhóm chỉ có 3 thành viên bao gồm thầy – trưởng nhóm (mà chúng tôi chỉ đơn giản gọi là “Thầy”), 2 sinh viên, và sau thêm tôi nữa là 4. Bước vào NNC sau 2 em sinh viên, tuy thầy là người hướng dẫn tôi trực tiếp, nhưng thầy vẫn căn dặn tôi rằng, “cần gì hỗ trợ, em cứ nhờ Quân và Công nhé!” (Quân và Công là 2 bạn sinh viên khi ấy, và tính đến thời điểm hiện tại cả 2 em đều đã là những TS trẻ với những thành tích xuất sắc, vượt trội). Vâng, đó chính là nguyên tắc làm việc của 1 NNC: lớp trước hướng dẫn lớp sau, người đi trước hỗ trợ người đi sau, thầy là người hướng dẫn, chỉ đạo từ trên xuống; là 1 nhóm, tất cả làm việc với 1 tinh thần thoải mái, không phân biệt tuổi tác hay trình độ. Tính đến thời điểm hiện tại, NNC ngày nào với 4 thành viên đã trở thành một NNC lớn với gần 30 thành viên chính đến từ các trường khác nhau trong cả nước, nhưng chúng tôi vẫn tuân theo nguyên tắc này mà làm việc.

Mất một khoảng thời gian ngắn để hòa nhập, dần dần tôi trưởng thành hơn trong chính cách làm việc cũng như con người. Vâng, phải nói là trưởng thành, mà đã là trưởng thành thì phải xuất phát từ “khờ dại” cho tới “chín chắn hơn”, đó chính là lợi ích thứ nhất khi tham gia 1 NNC. Người ta vẫn nói “Nga ngố”, mà theo như tôi thấy, không chỉ những người đi du học ở Nga về mới “ngố”, mà nói chung hầu hết những du học sinh sau khi tốt nghiệp về nước đều phải trải qua thời gian hòa nhập, hay nói đùa là “giải ngố”. Sinh hoạt trong NNC, dần dần tôi đã thích ứng được với môi trường giáo dục đại học. Không những thế, ngoài chỉ dạy về mặt kiến thức, Thầy còn chỉ dạy cho chúng tôi cách ứng xử, dạy cho chúng tôi rằng, làm khoa học cũng như trong đời sống, quan trọng nhất vẫn cần phải “nghĩ trước nói sau”. Chúng tôi luôn thầm cảm ơn thầy vì tất cả.

NNC không chỉ đã giúp tôi hiểu hơn về tình hình khoa học giáo dục trong nước, đã cho tôi thấy điểm mạnh, điểm yếu trong chính bản thân, để tôi khắc phục điểm yếu cũng như phát huy được thế mạnh. Và với thế mạnh của mỗi cá nhân, thầy đã định hướng cho 3 chúng tôi đi theo 3 hướng nghiên cứu khác nhau, một phần để tránh chồng chéo, một phần để phát huy tối đa lợi thế của từng thành viên. Mỗi thành viên với mỗi lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, tìm tòi tài liệu để đọc, để tính toán lại, để rồi gặp vấn đề gì khó hay thắc mắc, chúng tôi lại tìm đến thầy để thầy hướng dẫn, giải thích cho hiểu thì thôi. Vâng, đó chính là lợi ích thứ hai khi tham gia 1 NNC: được định hướng nghiên cứu hiện đại của thế giới theo dựa theo khả năng tốt nhất mình có, và người định hướng không ai hết chính là thầy, điều này giúp chúng tôi không bị nhàm chán, chính vì vậy ngoài công việc giảng dạy, tôi nghiên cứu bất cứ khi nào tôi rảnh mà không thấy mệt.

TS Vũ Thị Thùy Anh và Thầy hương dẫn khoa học: GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

Trong NNC, trong khi 2 em sinh viên đã có cho mình những kết quả công bố trên tạp chí quốc tế uy tín ISI, tôi thì chưa có gì cả, nhưng thầy đã luôn động viên tôi, điều này đã tạo cho tôi động lực để cố gắng hơn. Và rồi cái ngày nhận kết quả công bố đầu tiên, tôi đã vỡ òa hạnh phúc, thật khó có thể hình dung được tôi đã vui mừng thế nào ngày hôm đó, thế là những cố gắng của tôi đã được ghi nhận. Thầy tôi khi đó bắt tay tôi “chúc mừng em” – đây là câu nói của thầy tôi với tất cả các thành viên trong NNC mỗi khi chúng tôi có được các kết quả được ghi nhận, điều này tuy đơn giản, nhưng đối với mỗi chúng tôi nó như một nguồn năng lượng, một nguồn động lực để chúng tôi càng cố gắng hơn nữa. Lợi ích thứ 3 tôi nhận được khi tham gia NNC chính là những lời động viên, khích lệ kịp thời của thầy trong mọi hoàn cảnh.

Lợi ích tiếp theo khi tham gia NNC của tôi chính là cơ hội trải nghiệm. Nếu đối với Quân hay Công là những lần trải nghiệm mang tầm quốc tế, thì cơ hội của tôi chưa là gì cả, nhưng đối với tôi, hay với các thành viên khác trong nhóm như tôi đều đã là những cơ hội tuyệt vời. Trải nghiệm đó chính là những lần tham dự hội thảo, hội nghị; hay những lần được dự các buổi bảo vệ luận án của các nghiên cứu sinh khác mà thầy tôi là thành viên của hội đồng chấm luận án. Chúng tôi học được rất nhiều thông qua những lần trải nghiệm đó. Thầy tôi nói, điều này rất quan trọng bởi nó sẽ cho chúng tôi rất nhiều kinh nghiệm để bảo vệ tốt luận án của mình. Và hơn nữa, cơ hội trải nghiệm của chúng tôi nhiều khi chỉ đơn giản là những lần du xuân, nghỉ hè bên nhau của cả NNC nữa, điều này thật tuyệt vời để chúng tôi “xả hơi” tạm quên đi những khó khăn, vất vả đang đợi chúng tôi trong quá trình nghiên cứu.

Một lợi ích hết sức to lớn nữa mà khi tôi tham gia NNC chính là cơ hội được làm việc với các chuyên gia quốc tế. Thông qua các mối quan hệ trong học thuật của thầy, NNC của chúng tôi có cơ hội được giao lưu với nhiều NNC quốc tế; các buổi seminar với các giáo sư đầu ngành đến từ Nhật Bản, Úc, Anh… đã cho chúng tôi được cập nhật không chỉ xu hướng nghiên cứu của thế giới mà còn giúp chúng tôi cập nhật kiến thức chuyên môn từ đó định hướng được mục tiêu, vấn đề nghiên cứu, hỗ trợ chúng tôi trong quá trình làm khoa học.

Là phụ nữ làm khoa học, tôi cũng có nhiều hạn chế về mặt thời gian cũng như khả năng tập trung vào công việc. Tuy thế, sau 4 năm kể từ khi quyết định làm nghiên cứu sinh trong nước, tôi đã bảo vệ thành công luận án TS. Đối với tôi, 4 năm là một chặng đường dài với vô vàn khó khăn trở ngại, nhưng tôi biết đối với mọi người tôi đã làm được một điều “gần như là không thể”, bởi 7 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế ISI, 4 báo cáo tại hội nghị quốc tế trong nước và 2 bài báo đăng trên tạp chí chuyên ngành uy tín trong nước chính là kết quả đạt được trong luận án của tôi, điều này khiến tôi cảm thấy quyết định làm TS trong nước của tôi là quyết định đúng đắn. Tôi cảm ơn thầy tôi rất nhiều, chính nhờ sự giúp đỡ, chỉ bảo tậm tâm của thầy tôi mà tôi đã làm được điều đó. Ngoài ra, không chỉ có thầy, chính các thành viên trong nhóm cũng đã giúp đỡ tôi rất nhiều, bởi đó chính là lợi ích thứ 6 khi tôi tham gia vào NNC: khi tham gia NNC, các thành viên trong NNC có thể hỗ trợ lẫn nhau.

Bây giờ tôi đã trở thành “chị TS” trong nhóm, một điều mà trước kia tôi đã nghĩ là không thể; chị TS chứ không phải bà TS, bảo vệ luận án với 7 công bố quốc tế, điều này khiến tôi rất vui. Kết quả tôi đạt được chẳng kém gì so với một TS được đào tạo ở nước ngoài, mà thời gian cũng tương đương, kinh phí cũng không quá nhiều. Trước mắt tôi là chức danh Phó Giáo sư, Giáo sư, nhưng tạm thời tôi chưa nghĩ tới, bởi để đạt được chức danh đó cần phải cống hiến rất nhiều, hiểu biết rất nhiều, và tạm thời tôi chưa làm được, nhưng bảo vệ xong luận án và trở thành TS đã đem lại cho tôi nhiều cơ hội hơn, bây giờ tôi đã tự tin đứng trước giảng đường hơn trước, kiến thức chuyên ngành của tôi cũng vững vàng hơn,… và quan trọng nhất với học vị TS tôi đã đủ tiêu chuẩn để nộp hồ sơ xin đề tài. Tất nhiên, đề tài của tôi kinh phí chẳng có nhiều, nhưng đối với tôi đó là một niềm hạnh phúc vô cùng lớn, bởi tôi cũng sẽ giống như thầy tôi, lại có thể giúp đỡ các thành viên trong NNC nhỏ của tôi (một nhánh nhỏ theo cùng một định hướng như tôi trong NNC lớn của Thầy), đây chính là nguồn động lực cũng như nguồn hỗ trợ để 1 NNC tồn tại và phát triển. Và đây cũng chính là một lợi ích có được khi tham gia NNC.

Vậy là tôi đã tham gia NNC được hơn 6 năm, một chặng đường không dài cũng không ngắn, nhưng với bằng ấy năm, điều tôi nhận được là một “món quà” to lớn, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều, trưởng thành cả về nghĩa đen và nghĩa bóng, nó giúp tôi nhận ra giá trị của việc quyết định tham gia NNC của thầy, cũng như thấy được tầm quan trọng của việc, mà theo như thầy tôi khi nhận tôi làm nghiên cứu sinh đó là:  nếu làm nghiên cứu sinh thì phải theo NNC. Tôi cảm ơn thầy, cảm ơn NNC từ tận đáy lòng. Kính chúc thầy sức khỏe và nhiệt huyết để có thể truyền được cảm hứng cho nhiều lớp sinh viên, nghiên cứu sinh và giảng viên để đạt được ước mơ làm khoa học như tôi, kính chúc NNC của thầy ngày càng lớn mạnh và phát triển hơn nữa. Đồng thời tôi cũng hi vọng mô hình NNC này được nhân rộng ra khắp đất nước để nền giáo dục nước nhà nói chung và chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh nói riêng có cơ hội chuyển mình, đào tạo được những TS chất lượng sánh ngang tầm quốc tế. Chúc cho nền khoa học nước nhà với những con người làm khoa học chân chính bắt kịp được với sự phát triển của nền khoa học thế giới.

——————————-